Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Nguồn: TTXVN
Chiến thắng hôm qua
Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong 56 ngày đêm, các trận đánh không diễn ra liên tục mà được chia thành 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 từ ngày 13 đến 17/3/1954, quân ta đã tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống trên 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ 1 trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh. Pi rốt - Tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ bất lực trước pháo binh của ta đã dùng lựu đạn tự sát.
17h30 phút ngày 13/3/1954, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu TTXVN
Giai đoạn 2, từ ngày 30/3 đến 30/4/1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm; thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho Tập đoàn cứ điểm.
Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiều 7-5-1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN.
Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt, tại đồi C1, ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày và đồi A1 giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ 2, khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.
Tướng De Castries (đi đầu) cùng toàn bộ Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng. Ảnh: Triệu Đại/TTXVN.
Giai đoạn 3, từ ngày 1 đến 7/5/1954, ta đánh dứt điểm dãy đồi phía Đông và tổng tiến công tiêu diệt các vị trí còn lại, bắt sống Tướng De Castries. Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng.
“56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch.
Chiều 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh tư liệu TTXVN
Điện Biên Phủ đã trở thành bản anh hùng ca về nghệ thuật quân sự tài tình và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; đặc biệt, đó còn là âm hưởng ngân vang về sự đoàn kết, chiến đấu, hy sinh anh dũng của quân và dân ta. Tinh thần quyết chiến, quyết thắng ngoại xâm của toàn dân tộc kết tinh sức mạnh vô địch làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Bài học hôm nay
Có thể thấy, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, nhờ có đường lối đúng, chủ trương, chính sách phù hợp, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên được sức mạnh của cả nước vào kháng chiến.
Lực lượng dân công hỏa tuyến tham gia mở đường trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu dangcongsan.vn
Cả nước đã tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch. Hơn 260.000 dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn hướng về Điện Biên để bảo đảm hậu cần phục vụ kể từ khi Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ đến khi toàn thắng.
21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công cùng các loại ô tô, tàu, thuyền, lừa, ngựa…ngày đêm vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược lên mặt trận Điện Biên Phủ. Sự đóng góp to lớn của lực lượng dân công, đảm bảo hậu cần cho chiến dịch là một trong những nguyên nhân chính làm nên chiến thắng. Ảnh tư liệu TTXVN
Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng, mạnh mẽ, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, đã và đang đặt ra những yêu cầu mới và đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Đó chính là minh chứng thuyết phục nhất cho việc Đảng ta huy động và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.
Đoàn kết toàn dân là bài học sức mạnh trong mọi thời đại (Ảnh minh họa VOV).
Mặc dù, xu thế chủ đạo của thế giới là hòa bình, hợp tác và phát triển nhưng vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; các thách thức như khan hiếm nguồn nước, ô nhiễm và suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… gia tăng.
Bối cảnh đó càng yêu cầu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh theo các nghị quyết của Đảng, tạo nền tảng vững chắc để đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn trong những năm tiếp theo.