Chiều 14/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã mạnh dạn đổi mới tư duy, cách thức tổ chức thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số thông qua việc đẩy nhanh số hóa dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào các hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành, sản xuất, kinh doanh,...
Bộ NN&PTNT cũng đã tập trung xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả nhiều đề án, chương trình, cơ chế, chính sách quan trọng gắn chặt việc ứng dụng các công nghệ số mới như: chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn; đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi;...
Bộ cũng chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đến nay, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý, theo dõi của Bộ NN&PTNT là 349 thủ tục hành chính; phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan để thực hiện việc kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Ngành tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính, chính phủ điện tử trong lĩnh vực nông nghiệp. 100% văn bản đi, đến đã được cập nhật, xử lý trên môi trường mạng.
Hiện nay, ngành nông nghiệp đang quản lý, khai thác, sử dụng khối lượng lớn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai,... nhằm phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành chung của Bộ từ trung ương đến địa phương.
Thời gian qua, việc số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để nâng cao giá trị kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp được quan tâm. Lĩnh vực thủy lợi đã triển khai xây dựng nền tảng chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành cấp nước cho dân sinh, sản xuất và đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi. Đối với lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thú y, lâm nghiệp, tiêu thụ nông sản,… doanh nghiệp, người dân cũng tập trung triển khai số hóa, chuyển đổi số trong các khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay, hàng chục vạn nông dân trên cả nước đã và đang ứng dụng có hiệu quả công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đào tạo kỹ năng số; gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử; hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp.
Cùng với đó, các doanh nghiệp công nghệ số cũng tích cực tham gia vào phát triển nông nghiệp, nông thôn như Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn VNPT, Tập đoàn công nghệ Rynan Technologies… nhằm ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến vào chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp bền vững.
Với những nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, quá trình số hóa ngành nông nghiệp đã góp phần đẩy nhanh việc cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh lương thực, phát triển ngành nông nghiệp xanh, bền vững.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích những khó khăn, vướng mắc như nhân lực làm công tác chuyển đổi số còn hạn chế; thiếu sự đồng bộ trong việc triển khai thực hiện cơ sở hạ tầng nền tảng, cơ sở dữ liệu liên thông; sự kết nối, chia sẻ, liên kết giữa các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân còn chưa chặt chẽ;…
Đồng thời, các đại biểu cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực tiễn, thảo luận nhiều giải pháp để đẩy nhanh số hóa nông nghiệp như: cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về ưu đãi đầu tư thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp; phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số trong nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích doanh nghiệp, HTX công nghệ tham gia; đồng hành, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất;…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang biểu dương, đánh giá cao những kết quả bước đầu của các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã đạt được trong việc thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp thời gian qua.
Trên cơ sở phân tích những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện số hóa ngành nông nghiệp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Bộ NN&PTNT tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân tiếp cận với công tác chuyển đổi số; tham mưu, đề xuất hoàn thiện khung pháp lý về ưu đãi đầu tư thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp; phát triển đồng bộ hệ thống dữ liệu thông tin của ngành nông nghiệp (bao gồm cơ sở dữ liệu các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi,…); tiếp tục đầu tư, xây dựng, nâng cấp hạ tầng phục vụ số hóa, chuyển đổi số.
Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp cần hợp tác, liên kết chặt chẽ với người dân, chính quyền địa phương để chia sẻ những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, giải pháp nông nghiệp thông minh nhằm cùng nhau hướng đến mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, nhanh chóng đưa ngành nông nghiệp trở thành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Các địa phương cũng cần chú trọng xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh lương thực.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chuyên gia tại hội nghị để tổ chức phối hợp thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thực hiện chuyển đổi số, đến nay, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đã cập nhật thông tin, dữ liệu của hơn 19.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó cập nhật lên phần mềm quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được gần 500 cơ sở; cấp tài khoản cho 40 cơ sở và 23 chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn có xác nhận với các sản phẩm: bưởi Phúc Trạch, cam chanh, rau củ quả, chè, nhung hươu, thủy sản, gạo. Phối hợp với Sở Công thương triển khai quảng bá, kết nối các gian hàng sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh trên sàn thương mại điện tử như Alibaba, Sendo, Voso, Postmart, Shopee, hatinhtrade... Hiện có khoảng 500 gian hàng OCOP và sản phẩm nông thôn đăng trên sàn thương mại điện tử của tỉnh.