LĐBĐ Philippines đã săn lùng những cầu thủ "Philippines kiều" ở châu Âu
Vòng bảng AFF Cup 2018 đã kết thúc và 4 đội tuyển giành vé vào Bán kết đã được xác định. Đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Philippines trong khi đó ở trận Bán kết còn lại, Thái Lan đối đầu với Malaysia.
Với đội tuyển Philippines, đây là lần đầu tiên sau 4 năm, họ mới vào tới Bán kết AFF Cup. Trước đó, Philippines đã 3 lần vào Bán kết AFF Cup vào các năm 2010, 2012 và 2014.
Có thể nói, Philippines từ một đội bóng bị đánh giá thấp ở đấu trường khu vực đã vươn lên trở thành một thế lực đáng gờm ở Đông Nam Á. Từ năm 2007 trở về trước, Philippines luôn dừng chân ở vòng bảng AFF Cup. Năm 2008, họ còn không có mặt ở vòng bảng do không vượt qua được vòng loại. Nhưng 3 kỳ AFF Cup sau đó, Philippines đều vào tới Bán kết. Vậy điều gì đã khiến bóng đá Philippines vươn lên một cách nhanh chóng như vậy?
Cách làm bóng đá của Philippines
Bóng đá Philippines có những bước tiến rõ rệt sau khi LĐBĐ nước này quyết định kêu gọi những cầu thủ tài năng có gốc gác Philippines nhưng sinh trưởng tại nước ngoài về phục vụ quê hương. Trên thực tế thì những người làm bóng đá nước này đã phải lùng sục những tài năng mang trong mình dòng máu Philippines để mời họ về đá cho ĐTQG.
Với cách làm này, Philippines bỗng chốc sở hữu những cầu thủ chất lượng được đào tạo bài bản ở châu Âu. Trong đó phải kể tới anh em nhà Younghusband (Phil và James), những người đã được đào tạo tại CLB danh tiếng của nước Anh là Chelsea. Điều đặc biệt là anh em nhà Younghusband đã được phát hiện thông qua trò chơi Football Manager.
Bên cạnh đó, đội tuyển Philippines còn có anh em Chris và Simon Greatwich, những người trưởng thành từ lò đào tạo của Brighton.
Điều đáng tiếc cho LĐBĐ Philippines là họ đã không thể mời được thủ môn Alphonse Areola, người gác đền của PSG về chơi bóng cho ĐTQG nước này. Alphonse Areola (25 tuổi) có bố mẹ đều là gốc Philippines và từng được LĐBĐ nước này mời về chơi cho đội tuyển Philippines vào năm 2011. Mùa Hè năm nay, Alphonse Areola đã cùng với tuyển Pháp đoạt chức vô địch World Cup 2018.
Với cách làm trên, Philippines có sự tiến bộ thần tốc, đặc biệt ở AFF Cup 2010, khi họ đánh bại Việt Nam (lúc đó là nhà ĐKVĐ AFF Cup) 2-0 ngay tại Mỹ Đình. Kết quả này đã góp phần quan trọng giúp Philippines vượt qua Singapore, đội bóng đã 4 lần vô địch AFF Cup, để lần đầu tiên trong lịch sử giành vé vào Bán kết.
Một kết quả đáng chú ý khác là Philippines đã làm nên lịch sử khi giành vé tới VCK Asian Cup 2019 sau khi vượt qua vòng loại vào tháng Ba năm nay.
Đào tạo trẻ của Philippines
Ở các giải trẻ, thành tích của Philippines là rất nghèo nàn
Bóng đá không phải là môn thể thao được ưa thích nhất ở Philippines và LĐBĐ nước này cũng không chú trọng vào việc đào tạo trẻ, khi mà họ chỉ tận dụng những cầu thủ có dòng máu Philippines được đào tạo ở các CLB nước ngoài.
Do đó, việc Philippines có thành tích rất nghèo nàn ở các giải trẻ là chẳng có gì ngạc nhiên. Theo thống kê thì từ năm 1980 trở lại đây, Philippines chưa bao giờ giành được vé vào VCK U19 châu Á.
U23 Philippines còn thua U23 Campuchia với tỉ số 0-1 ở vòng loại U23 châu Á 2018. Họ thậm chí kết thúc vòng loại với vị trí bét bảng do không giành điểm nào.
Chính sách nhập tịch
Philippines có lượng cầu thủ nhập tịch thuộc vào dạng hàng đầu ở AFF Cup. Các cầu thủ nhập tịch của Philippines chủ yếu đến từ châu Âu và có dòng máu Philippines chứ không phải là cầu thủ đã sinh sống lâu năm tại nước này và được cấp quyền công dân. Ví dụ như ở AFF Cup 2016, Philippines có tới 17 cầu thủ sinh ra ở nước ngoài.
Chính vì thế mà Philippines có một dàn cầu thủ với thể hình lý tưởng và kĩ thuật tốt mà họ không mất công đào tạo.
Dù không đặt nặng công tác đào tạo bóng đá trẻ, Philippines vẫn có một đội hình với những cầu thủ chất lượng ở AFF Cup 2018 nhờ chính sách nhập tịch và họ sẽ là thách thức lớn với đội tuyển Việt Nam ở Bán kết.