Trong số 9 đối tượng nói trên, có 6 đối tượng được Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Hà Tĩnh tiến hành cho vay vốn; 3 đối tượng còn lại nộp đơn vay ở Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh thì lại không được chấp nhận...
Không được vay vốn vì ảnh hưởng của sự cố môi trường biển
Tiếp xúc với chúng tôi, 3 ngư dân: Lê Văn Thắm, Nguyễn Văn Hồng, Trần Văn Tuấn, cho biết: Năm 2015, sau khi được đưa vào danh sách (UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4098/QĐ-UB ngày 26/10/2015) đủ điều kiện vay vốn đóng tàu vỏ sắt theo Nghị định 67 của Chính phủ, chúng tôi đã hoàn thành việc thiết kế, chọn mẫu tàu theo quy định rồi nộp hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh (Vietcombank Bắc Hà Tĩnh) có trụ sở tại TX Hồng Lĩnh vào tháng 12/2015.
Từ phải sang: 3 ngư dân trao đổi với lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân và phóng viên về phương án vay vốn, đóng tàu.
Tuy nhiên, sau đó, phía ngân hàng yêu cầu chỉnh sửa phương án SXKD để trình Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam xem xét, quyết định cho vay (do số tiền vay của các đối tượng vượt quá thẩm quyền của Vietcombank Bắc Hà Tĩnh). Đến ngày 20/6/2016, cả 3 chúng tôi nhận được thông báo tạm dừng cho vay của Vietcombank Bắc Hà Tĩnh, bởi lý do “sự kiện cá biển chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung chưa được cơ quan có thẩm quyền làm rõ nguyên nhân, ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng thủy sản của người dân và tính hiệu quả của các ngư dân khai thác thủy sản tại khu vực miền Trung (đặc biệt tại tỉnh Hà Tĩnh)…”.
Ngày 15/7 (tức là sau 15 ngày, Chính phủ công bố nguyên nhân gây ra sự cố môi trường khiến hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung), Vietcombank Bắc Hà Tĩnh tiếp tục có văn bản gửi 3 ngư dân, cho biết: Ngày 13/7/2016, Vietcombank Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh đã tiến hành khảo sát thực tế tại các chợ cá, cảng cá liên quan thì thấy rằng: sản lượng khai thác, tiêu thụ và giá cả thu mua hải sản thấp hơn nhiều so với phương án mà các chủ đầu tư (các hộ ngư dân - PV) gửi ngân hàng.
Cụ thể: sản lượng khai thác và tiêu thụ thấp hơn từ 50-70% tùy theo từng loại hải sản; giá cả các mặt hàng như cá thu, cá măng, mực… giá bán thấp hơn từ 35-40%... Đồng thời, khẳng định: “Sự sụt giảm về sản lượng, giá cả hải sản như vậy là do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển miền Trung trong thời gian vừa qua và chưa có dấu hiệu phục hồi”… Do đó, Vietcombank Bắc Hà Tĩnh không chấp nhận cho các hộ ngư dân vay vốn.
Dư luận đặt câu hỏi, Nghị định 67 là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, không hiểu sao Vietcombank Bắc Hà Tĩnh lại lấy lý do vì sự cố môi trường biển để gây khó khăn cho ngư dân trong việc chuyển đổi môi trường đánh bắt hải sản.
“Cùng vay đóng tàu, sao người được, người không?”
Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hồng không giấu được buồn bã: “Cùng ở một xã, cùng vay với một mục đích như nhau, không hiểu tại sao 6 hộ kia thì được BIDV Hà Tĩnh cho vay. Chúng tôi vay ở Vietcombank Bắc Hà Tĩnh thì không được…”.
Ông Trần Sông Hương - Chủ tịch UBND xã Xuân Hội chia sẻ: Xuân Hội hiện có 22 tàu đánh bắt xa bờ và 5 chiếc đang đóng mới. Mặc dù có chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, nhưng 6 tháng đầu năm 2016, sản lượng khai thác thủy sản của xã vẫn đạt 2.752 tấn, bằng 46% kế hoạch của năm. Chúng tôi rất mong các ngư dân được tạo điều kiện vay vốn để tiếp tục phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ…
Trao đổi với Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Phạm Tiến Hưng, được biết: Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ là một chủ trương, chính sách lớn, rất ý nghĩa trong phát triển thủy sản hiện nay. Đặc biệt là đã khuyến khích được người dân mạnh dạn đầu tư tàu vỏ thép, công suất lớn để khai thác xa bờ. Hiện UBND huyện Nghi Xuân đang yêu cầu các xã ven biển tiếp tục rà soát các đối tượng đủ điều kiện vay vốn triển khai đóng mới, đồng thời, tiếp tục vận động ngư dân thành lập các tổ đội sản xuất trên biển để phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và phòng tránh mưa bão, qua đó, nâng cao hiệu quả khai thác, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
“Thực tế trên địa bàn huyện Nghi Xuân, sau hiện tượng cá chết bất thường ở miền Trung, các tàu đánh bắt xa bờ vẫn cho sản lượng và thu nhập ổn định” - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết thêm.
Thiết nghĩ, các cơ quan liên quan cần có biện pháp tháo gỡ để giúp ngư dân phát triển sản xuất.