Lập gia đình từ năm 2013 và cũng từ đây, anh Nguyễn Trọng Duật (thôn 8, xã Sơn Trường - người đứng ngoài cùng bên trái) chọn nghề làm chổi đót để lập nghiệp tại quê hương. Ban đầu sản xuất nhỏ lẻ, dần dần với sản phẩm chất lượng, giá cả phải chăng, đơn hàng càng dày thêm. Với mục đích mở rộng thị trường, anh Duật tập hợp các thành viên, thành lập HTX Chổi đót Sơn Trường.
Khác với các loại chổi đót khác, chổi đót của HTX được làm với mẫu mã đặc trưng. Đót được bện chặt theo chiều vạt nghiêng, có thể tiếp xúc mặt đất nhiều hơn so với kiểu bện theo hình cánh quạt.
Đặc biệt, HTX không tận dụng thân đót làm cán mà mua tre làm cán để tạo sự chắc chắn. Vì thế, được nhiều khách hàng ưa chuộng, cơ sở sản xuất ra không kịp để bán. Thị trường chủ yếu là nội tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ.
Bình thường, mỗi tháng HTX xuất ra thị trường trên 3.000 sản phẩm, dịp tết này đơn hàng tăng gấp ba, gấp bốn lần. Anh Nguyễn Trọng Duật - Giám đốc HTX Chổi đót Sơn Trường, chia sẻ: "Hàng năm vào mùa, HTX thuê xe sang Lào mua hàng chục tấn đót về tích trữ để sản xuất. Đót của Lào được nắng nên đẹp hơn và cũng giảm một phần chi phí so với vận chuyển từ miền Nam về".
Vì thế, HTX phải tăng ca sản xuất để kịp đơn hàng, lương cũng cao hơn, từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Để kịp giao hàng cho khách, dịp này, HTX "tuyển thêm" hàng chục lao động thời vụ vào dây chuyền sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Sáng (thôn 8, xã Sơn Trường - bên phải) cho biết: Ngoài làm ruộng, lúc nông nhàn chúng tôi tranh thủ làm chổi kiếm thêm thu nhập. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán, đơn hàng nhiều, mức lương chúng tôi cũng khá, giúp trang trải để có cái tết đủ đầy hơn.
Theo Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Trường Trần Thị Nhâm: “Mô hình sản xuất của HTX Chổi đót Sơn Trường không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nhất là chị em phụ nữ, những người yếu thế, tàn tật. HTX cần nỗ lực vượt qua khó khăn về vốn và tìm kiếm nguồn nguyên liệu".