Cứ vào thời điểm cuối tháng 9 âm lịch, gia đình ông Trần Xuân Lam (thôn Phúc An, xã Xuân Phổ) lại ra đồng xuống giống hơn 1 vạn các loại giống hoa cúc. Sau hơn 10 ngày chăm sóc, hiện vườn hoa đã phát triển tốt, đều đẹp.
Ông Lam cho biết: Với diện tích gần 1.000 m2 vườn nhà, tôi chia thời vụ để các lứa hoa "gối nhau" thu hoạch. Hiện tại, tôi mới xuống giống hơn 50% diện tích, số còn lại dự kiến sẽ hoàn thành trong 5 ngày tới với hơn 6.000 cây cúc và 3.000 cây hoa lay ơn. Toàn bộ số hoa này để chuẩn bị cung ứng nhu cầu thị trường vào dịp Tết nguyên đán 2023.
Sau những ngày mưa do ảnh hưởng của không khí lạnh, thời tiết ở Nghi Xuân đã có nắng đều trên khắp các địa bàn. Đây là điều kiện để bà con xuống đồng tập trung sản xuất hoa vụ tết.
Gia đình anh Lê Hồng Bằng (thôn Hợp Thuận, xã Xuân Phổ) cũng tranh thủ thời tiết tốt để xuống giống nhiều loại hoa trong vườn nhà. "Qua tìm hiểu, trồng hoa phục vụ cho nhu cầu thị trường dịp tết mang lại thu nhập cao nên năm nay, tôi quyết định đầu tư. Sau khi cải tạo hơn 600 m2 đất vườn, tôi bỏ ra hơn 5 triệu đồng mua giống hoa cúc ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam để thử. Rất may, mấy ngày qua, trời mưa không lớn, thời tiết mát mẻ nên khá thuận lợi cho việc xuống giống hoa cúc” - anh Bằng chia sẻ.
Tại xã Xuân Giang, những ngày này, vợ chồng bà Nguyễn Thị Lan (thôn Hồng Thịnh) cũng đang bận rộn chuẩn bị cho vụ cúc Tết. Dự kiến giữa tháng 10 âm lịch (đầu tháng 11 dương lịch), gia đình bà sẽ hoàn thành việc xuống 1,6 vạn giống hoa. Với thâm niên trồng cúc, hoa ly trên 10 năm nên các công đoạn sản xuất đều được vợ chồng bà thực hiện một cách thuần thục, bài bản.
“Hầu như năm nào, vườn hoa của gia đình tôi cũng nở trước 30 tết vài ngày. Vì vậy, ngay từ khâu chuẩn bị giống, gieo trỉa đến chăm sóc, chúng tôi tuân thủ tuyệt đối về kỹ thuật, thời vụ... Mỗi năm, chúng tôi chỉ trồng 1 vụ hoa tết (khoảng 3 tháng), cho thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng” - bà Lan cho hay.
Giống cúc mà bà con nơi đây thường lựa chọn là cúc vàng, mai tứ quý, cúc ruby.
Ngoài hoa cúc là chủ đạo, người dân Nghi Xuân còn trồng một số loại hoa khác như: lay ơn, ly... Hiện các hộ dân đang tiến hành ươm, phải hơn 1 tuần mới bắt đầu xuống giống. Được biết, đầu ra cho mặt hàng hoa trên địa bàn huyện Nghi Xuân những năm gần đây khá ổn định, vừa đáp ứng nhu cầu trên địa bàn, vừa là đầu mối cung ứng cho các thương lái ở tỉnh Nghệ An.
Vài năm gần đây, người dân rất chịu khó đầu tư cho đối tượng cây trồng mới này. Ngoài giống, ứng dụng tiến bộ KHKT, bà con còn lắp đặt hệ thống tưới nước, đèn điện một cách đồng bộ để điều tiết sự sinh trưởng của hoa.
Với sự chuẩn bị chu đáo và chủ động, những người nông dân trồng hoa trên vùng đất Nghi Xuân đang kỳ vọng về một vụ hoa tết thắng lợi.
Toàn huyện Nghi Xuân hiện có gần 3 ha trồng hoa các loại, tập trung tại xã Xuân Phổ, Xuân Yên, Xuân Giang...; hình thức trồng chủ yếu là trong vườn hộ. Nghề trồng hoa ở Nghi Xuân mới xuất hiện cách đây vài năm nhưng đang có bước phát triển nhanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, ý thức đầu tư của bà con đối với nghề trồng hoa rất bài bản. Để có những bông hoa tươi, đẹp phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp tết, nông dân trên địa bàn không chỉ nắm chắc diễn biến thời tiết mà còn phải áp dụng tốt các kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây.