- Nguy cơ xẩy ra dịch cúm gia cầm A/H5N6 trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa ông?
Dịch cúm A/H5N6 đã xuất hiện trên đàn gia cầm của một hộ dân ở xã Hải Lĩnh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), làm 293 con gia cầm (190 con vịt, 103 con gà) mắc bệnh và đã được xử lý. Hà Tĩnh tuy chưa phát hiện dịch cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm nhưng nguy cơ xẩy ra là rất cao.
Mặc dù chưa có vắc-xin phòng cúm A/H5N6 nhưng các địa phương cần chủ động tiêm phòng để ngăn ngừa dịch bệnh |
Trước hết, sau Tết Nguyên đán, người chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh bổ sung con giống và tái đàn với số lượng rất lớn. Do vậy, những đàn gia cầm này hầu hết chưa được tiêm phòng dịch đầy đủ, rất dễ nhiễm bệnh. Cùng với đó, tình hình thời tiết có nhiều biến đổi phức tạp, việc vận chuyển gia cầm từ các tỉnh ngoài vào địa bàn tỉnh... là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh dễ phát sinh và lây lan.
Vào thời điểm này, hầu hết đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh đã hết miễn dịch. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng triển khai tiêm vắc-xin phòng dịch đợt I/2015, đến nay, mới chỉ có 4 huyện tổ chức tiêm, tỷ lệ đạt thấp so với kế hoạch giao. Bên cạnh đó, hoạt động giết mổ gia cầm tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh chưa được kiểm soát cũng là nguy cơ xẩy ra dịch bệnh.
Năm 2014, tại tỉnh ta đã xuất hiện dịch cúm A/H5N6 trên đàn vịt nuôi tại thôn Tân Sơn, xã Kỳ Thọ (Kỳ Anh), buộc phải tiêu hủy hơn 1.900 con. Đây là ổ dịch cũ có nguy cơ tái phát cao nếu không được phòng chống kịp thời...
- Vậy, để phòng chống dịch cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm thì cần tiến hành những giải pháp nào, thưa ông?
Theo tôi, ngành chuyên môn cùng với chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ đàn vật nuôi, trong đó có đàn gia cầm. Cúm A/H5N6 là vi-rút độc lực mạnh, có thể lây sang người với tỷ lệ tử vong cao. Hiện, trên thế giới chưa có vắc-xin phòng chống. Tuy nhiên, địa phương nào có kế hoạch chi tiết trong công tác phòng chống dịch bệnh, có hệ thống thú y thông suốt đến cấp xã, phường, phát hiện và giám sát tốt sẽ xử lý được dịch bệnh kịp thời.
Chính quyền địa phương thường xuyên rà soát lại tổng đàn gia cầm tại các vùng có nguy cơ cao, tiến hành tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại... Cùng với ngành chuyên môn chủ động phát hiện, báo cáo kịp thời và đề xuất các biện pháp phòng, chống và dập dịch ngay khi còn ở diện hẹp. Các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý chặt chẽ việc lưu thông, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm vào ra địa bàn.
Mặc dù chưa có vắc-xin phòng cúm A/H5N6, nhưng các địa phương cần phải vào cuộc chỉ đạo quyết liệt để công tác tiêm phòng cúm A/H5N1 đợt I/2015 đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo đàn gia cầm an toàn dịch bệnh, phát triển ổn định.