Điểm cầu Hà Nội có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dự và chỉ đạo hội nghị.
Đến hết 31/12/2017, cả nước thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) ước đạt 1.283,2 nghìn tỷ đồng, vượt 71 nghìn tỷ đồng so với dự toán, trong đó, thuế phí chiếm 21% GDP.
Các nhiệm vụ chi thường xuyên cơ bản thực hiện xong theo dự toán, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhiệm vụ chuyên môn; chi đầu tư phát triển nguồn NSNN đạt 75,9% dự toán, vốn trái phiếu chính phủ đạt khoảng 23,5% dự toán. Cả nước đã chi hỗ trợ trên 4,2 nghìn tỷ đồng từ dự phòng ngân sách khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất; xuất cấp trên 127,3 nghìn tấn gạo dự trữ cứu trợ nhân dân vùng khó khăn; chi trả kịp thời kinh phí bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển từ nguồn đền bù của Formosa.
Triển khai công tác năm 2018, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự toán thu cân đối NSNN là 1.319,2 nghìn tỷ đồng, dự toán chi NSNN 1.523,2 nghìn tỷ đồng, dự toán bội chi NSNN mức 3,7% GDP (số tuyệt đối là 204 nghìn tỷ đồng). Tổng nhiệm vụ huy động vốn của NSNN năm 2018 để bù đắp bội chi và chi trả nợ gốc là 363,28 nghìn tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Năm 2017, cả nước thắng lợi trên nhiều mặt, nhất là trong KT – XH. Thắng lợi đó có sự đóng góp tích cực của ngành Tài chính.
Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực của ngành Tài chính, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Bộ Tài chính chủ động tham mưu quản lý tài chính quốc gia, nghiên cứu chính sách kinh tế của các nước, khẩn trương xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ về tài chính… Ảnh: TNO
“Bộ Tài chính không chỉ là bộ quản lý tiền mặt quốc gia, mà còn đóng góp lớn trong sự phát triển của đất nước. Vì vậy, chính sách tài chính quốc gia cần chủ động hơn. Ngành Tài chính phải liêm chính, minh bạch để thúc đẩy sự phát triển KT – XH” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục cải cách hành chính, tạo điều kiện thúc đẩy SX-KD, phát triển để tăng thu ngân sách; chi ngân sách cần đảm bảo an toàn và tiết kiệm, nhất là ưu tiên cho các vùng đặc biệt khó khăn; Bộ Tài chính chủ động tham mưu quản lý tài chính quốc gia, nghiên cứu chính sách kinh tế của các nước, khẩn trương xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ về tài chính…; các địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế, ưu tiên phát triển doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tài chính.
Riêng Hà Tĩnh, tính đến 31/12/2017, tổng thu NSNN trên địa bàn đạt hơn 9.001 tỷ đồng, đạt 115,8% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó, thu từ thuế, phí, lệ phí và thu khác ngân sách đạt 6.019,2 tỷ đồng; thu xuất nhập khẩu đạt 2.911 tỷ đồng; thu để lại chi quản lý qua NSNN đạt 71,3 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương đạt hơn 12.420 tỷ đồng. Trong đó, chi đầu tư phát triển hơn 3.438 tỷ đồng, chi thường xuyên hơn 8.149 tỷ đồng… |