Thay mặt UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải vừa ký văn bản về việc đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 trên địa bàn tỉnh. |
Sáng 17/5, tại Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Tổ trưởng Tổ công tác số 1 của Chính phủ chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT Hà Tĩnh, đến hết ngày 15/5/2022, tổng giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 497 tỷ đồng (thấp hơn cùng kỳ và bình quân chung cả nước).
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tại cuộc họp về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; nhằm phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong việc triển khai, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người dân, doanh nghiệp và thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội khác trong năm kế hoạch 2022, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã; các chủ đầu tư, BQL dự án xác định việc đẩy mạnh giải ngân gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, là trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị; cần bám sát tình hình thực tế triển khai của từng dự án để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kịp thời, đúng hướng, khả thi và hiệu quả; tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các nghị quyết của Chính phủ, các văn bản của Văn phòng Chính phủ, các công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH&ĐT; các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh; đồng thời, tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Khẩn trương phân bổ giao chi tiết và nhập dự toán kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 cho từng dự án, chủ đầu tư
UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương phân bổ chi tiết và giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách địa phương bổ sung có mục tiêu năm 2022 cho từng dự án; bảo đảm việc phân bổ vốn tuân thủ điều kiện, thủ tục, thứ tự ưu tiên bố trí vốn NSNN theo đúng quy định tại các Quyết định số 2048/QĐ-TTg 6/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, số 4290/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, cơ quan thanh tra, kiểm toán và các cơ quan liên quan khác về tính chính xác của thông tin số liệu của dự án, mức vốn phân bổ của từng dự án theo quy định của pháp luật. Căn cứ dự toán thu - chi nguồn thu tiền sử dụng đất được giao tại Nghị quyết số 42/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh và Quyết định số 4290/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh, thực hiện và chỉ đạo UBND cấp xã phân bổ nguồn thu tiền sử dụng đất được hưởng để thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển theo đúng quy định tại Điều 8 Nghị quyết số 245/2020/NQ-HĐND ngày 8/12/2020 của HĐND tỉnh và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố, thị xã quản lý thanh toán vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước theo đúng chế độ quy định, trong phạm vi dự toán được giao đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Thực hiện nhập dự toán chi ngân sách và lệnh chi tiền vào hệ thống TABMIS theo đúng thời hạn quy định tại Thông tư số 123/2014/TT-BTC ngày 27/8/2014 của Bộ Tài chính.
Đẩy nhanh việc hoàn thành thủ tục đầu tư và đấu thầu, khởi công xây dựng các công trình khởi công mới
Các chủ đầu tư, BQL dự án khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, đấu thầu, khởi công các công trình khởi công mới; đặc biệt là các dự án đã được giao kế hoạch vốn từ đầu năm. Chậm nhất đến ngày 30/9/2022 phải hoàn thành công tác đấu thầu và khởi công tất cả các công trình, dự án đầu tư công trên địa bàn. Phân công cán bộ chuyên môn bám sát quá trình tổ chức lập, thẩm định hồ sơ dự án; kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng chất lượng hồ sơ trước khi trình cơ quan thẩm định; giảm thiểu việc chỉnh sửa hồ sơ do không đạt yêu cầu. Thực hiện nghiêm việc tổ chức khảo sát, lập phương án sơ bộ (bao gồm cả kinh phí) bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (nếu có) theo đúng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 Quyết định số 07/2020/QĐ-UBND ngày 26/2/2020 của UBND tỉnh, gửi sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức thẩm định, đồng thời với báo cáo nghiên cứu khả thi/báo cáo kinh tế - kỹ thuật để có thể triển khai ngay sau khi dự án được duyệt.
TP Hà Tĩnh đang huy động nhân lực, máy móc tiến hành dắm vá, sửa chữa những điểm hư hỏng, bong tróc trên đường Ngô Quyền.
Các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các phòng chuyên môn thực hiện hướng dẫn, xử lý hồ sơ liên quan đến công tác giải ngân, tham mưu xử lý đảm bảo chất lượng và tiến độ; phối hợp hiệu quả với các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư, BQL dự án để xử lý nhanh các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục giải ngân, liên quan đến giải ngân. Tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình, thủ tục, nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian thẩm định dự án, thiết kế cơ sở..., đảm bảo tối đa không quá 5 ngày/khâu thẩm định; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nút thắt quan trọng trong triển khai dự án; cần huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, phối hợp, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, thực hiện nhanh công tác bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai dự án; không được để tình trạng dự án chờ mặt bằng, nhất là các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh.
Chủ động rà soát tình hình thực hiện của từng dự án trên địa bàn, từ đó phân nhóm vướng mắc (thủ tục đầu tư xây dựng, thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, kế hoạch vốn, thủ tục giải ngân...) để kịp thời giải quyết, tháo gỡ, nhất là các dự án của tỉnh đầu tư trên địa bàn. Lập danh mục dự án trọng điểm, phân công cụ thể lãnh đạo theo dõi, đôn đốc và trực tiếp chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh để có phương án xử lý kịp thời.
Các chủ đầu tư, BQL dự án phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương vùng thực hiện dự án trong tổ chức công bố quy hoạch, cắm mốc phạm vi bồi thường, giải phóng mặt bằng; cung cấp kịp thời các hồ sơ, tài liệu liên quan cho chính quyền địa phương để thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan. Ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện; phần vốn còn lại mới bố trí cho phần xây lắp và chi phí khác; tuyệt đối không cho nhà thầu tạm ứng vốn khi chưa bàn giao mặt bằng hoặc chưa đảm bảo các điều kiện khởi công công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Sở TN&MT chủ động, kịp thời hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã về các cơ chế, chính sách, giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng theo thẩm quyền. Chủ động tham mưu UBND tỉnh trường hợp vượt thẩm quyền.
Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công gắn với việc đảm bảo chất lượng công trình; tổ chức nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng
Các chủ đầu tư, BQL dự án tăng cường kiểm tra, đốn đốc; phối hợp với đơn vị thi công lập đường găng tiến độ chi tiết cho từng dự án để chỉ đạo, theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình thi công; yêu cầu nhà thầu phải có văn bản cam kết tiến độ thực hiện đối với từng hạng mục công trình, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm việc vi phạm về tiến độ cũng như chất lượng công trình; trường hợp cần thiết, chấm dứt hợp đồng và thay thế ngay các nhà thầu khác. Khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước tỉnh và hoàn ứng theo quy định; không để dồn thanh toán vào cuối năm.
Kho bạc Nhà nước tỉnh phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư để xử lý các vướng mắc phát sinh, rút ngắn thời gian kiểm soát chi; thực hiện thanh toán cho các dự án trong thời gian 3 ngày làm việc, kể từ ngày chủ đầu tư cung cấp đủ hồ sơ đề nghị giải ngân theo quy định. Tổng hợp tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 theo từng nguồn vốn, chủ đầu tư và các dự án lớn, trọng điểm, gửi Sở KH&ĐT khi có yêu cầu để tổng hợp, chuẩn bị báo cáo phục vụ các cuộc họp về giải ngân vốn đầu tư công cũng như công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh.
Công ty CP Xây dựng và thương mại Hải Hiền (TP Hà Tĩnh) triển khai dự án xây dựng khu xử lý chất thải rắn tập trung huyện Hương Khê.
Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn
Các chủ đầu tư, BQL dự án chủ động rà soát, dự kiến khả năng giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 và kế hoạch vốn năm 2021 được phép kéo dài sang năm 2022 của từng dự án. Trường hợp dự kiến không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, gửi báo cáo bằng văn bản về Sở KH&ĐT, Sở Tài chính chậm nhất trước ngày 30/6/2022 để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, điều chuyển vốn cho các dự án khác.
Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh và các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu UBND tỉnh rút kế hoạch vốn của các dự án có tiến độ thực hiện chậm, tỷ lệ giải ngân không đạt yêu cầu để bố trí cho các dự án có tiến độ triển khai tốt, giải ngân nhanh, có khả năng hoàn thành trong năm 2022 nhưng chưa được bố trí đủ vốn, đảm bảo giải ngân 100% vốn ngân sách nhà nước được giao năm 2022. Rút kinh nghiệm về các tổ chức, hiệu quả hoạt động các đoàn kiểm tra tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm trước; chủ động nhận diện các khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022; tham mưu thành lập tổ công tác thành phần phù hợp, hiệu quả để kiểm tra, đôn đốc về tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai thủ tục hành chính, giải ngân, điều chuyển vốn đầu tư công tại một số sở, ngành, địa phương, công tác giải ngân của các chủ đầu tư, đề xuất điều chuyển vốn; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/5/2022.
Sở KH&ĐT và các sở quản lý công trình chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về chất lượng, tiến độ công trình; kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm (nếu có); trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý theo quy định.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT rà soát, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý đối với các dự án đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2021 (bao gồm vốn các năm trước chuyển sang năm 2021) không giải ngân hết và không đủ điều kiện đề xuất kéo dài sang năm 2022 theo quy định của Luật Đầu tư công; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/5/2022.
Tăng cường giám sát việc chấp hành các quy định trong quản lý, giải ngân vốn đầu tư công
Các cấp, ngành, địa phương tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cụ thể. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo chế độ báo cáo quy định; trong đó, phải đánh giá kết quả thực hiện, những tồn tại, hạn chế và kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Khen thưởng, kỷ luật trong triển khai, giải ngân vốn đầu tư công
Các sở, ban, ngành, địa phương phát động phong trào thi đua ở từng cấp, ngành, cơ quan, đơn vị để tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2022, là căn cứ để đánh giá năng lực cán bộ, bình xét thi đua khen thưởng, kỷ luật đối với cá nhân, tổ chức.
Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các đơn vị liên quan tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh đưa nội dung kết quả giải ngân vốn đầu tư công vào đánh giá, xếp loại hình thức thi đua, khen thưởng năm 2022 của các địa phương, đơn vị và cá nhân, người đứng đầu.