Trải qua nhiều thăng trầm, dấu cổ của chùa Vĩnh Phúc giờ đây chỉ còn để lại trên những mảng màu của bức tường thượng điện.
Dù đã hoang phế nhưng những dấu tích còn lại của chùa cho thấy đây là một ngôi chùa cổ còn lưu lại nhiều giá trị văn hóa. Theo tài liệu mà ông Lê Văn Đức - Trưởng ban Hộ tự chùa thu thập được, chùa được xây dựng khoảng thế kỷ thứ 7 sau Công Nguyên, trên khuôn viên hơn 7.000 m2, được ghi nhận là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Hà Tĩnh.
Chùa có đầy đủ các công trình như nhà tăng, chùa thượng, chùa hạ, tượng hộ pháp, cổng tam quan, giếng nước... Xung quanh có rất nhiều cây cối rậm rạp, có nhiều cây lấy gỗ như cây dung, cây bời lời... cây ăn quả như cây nhời, cây bứa, cây nổ bìa... Đặc biệt có rất nhiều loài chim muông về đây sinh sống, làm tổ. Tất cả tạo nên cảnh chùa vừa uy nghi, nghiêm trang, vừa thanh bình, gần gũi.
Cổng chùa trước đây được làm bằng gỗ, phía trên lợp tranh, hai bên có tượng hai ông gọi là ông Hộ pháp. Trong khuôn viên chùa Vĩnh Phúc có một giếng nước trong vắt. Những cụ già sống xung quanh khu vực chùa kể lại rằng, lấy nước ở giếng chùa nấu với chè xanh Hương Bộc thì tưởng như phong vị của miền đất Hương Bộc hội đủ trong đó.
Các kiến trúc khác của chùa Vĩnh Phúc cũng đậm nét văn hóa cổ với nhà chính điện xây bằng đá, vôi và mật ong, mái lợp cong cuốn, đường nét tinh xảo. Phía trong thiết trí tôn tượng Tam Thế. Nhà bái đường lợp ngói, mở 3 cửa vòm. Trên đỉnh nóc có cấu tạo lưỡng long chầu nguyệt. Cột kèo văn xà làm bằng gỗ lim ở chính giữa có xây một hương án để sư thầy hành lễ và có chỗ cho khoảng 50-60 người dự lễ.
Ngôi thượng điện tồn tại được đến ngày nay là còn nhờ sự bao bọc của rễ cây da bên cạnh.
Trải qua bao biến đổi của đời sống, hiện nay, chùa Vĩnh Phúc chỉ còn lại một nhà thượng điện, diện tích khoảng 25m2, tọa lạc trên khuôn viên gần 200m2. Toàn bộ tượng, đồ vật trong chùa đều đã bị thất lạc. Các họa tiết hoa văn trong ngoài dù bị hư hỏng nhiều nhưng vẫn thể hiện nét cổ kính, tinh xảo, nội dung người xưa muốn lưu lại và một số mảng màu sắc nguyên gốc thuở xưa. Đặc biệt, ngôi thượng điện này được “thiên nhiên bảo vệ” bằng một cây cổ thụ xanh tươi, rất đẹp ôm chặt để chống chọi, thử thách với thời gian.
Cũng giống như truyền thống của đạo Phật, trong chiến tranh, chùa Vĩnh Phúc còn là địa chỉ che chở cho con người thoát nạn bom đạn. Nhiều người cũng không thể lý giải nổi vì sao, những thôn xóm lân cận, nơi nào cũng bị bom Mỹ phá hại, chỉ riêng xóm Cửa Nương nơi có chùa là không có một quả bom, viên đạn nào. Bởi thế, chùa là nơi trú ngụ an toàn cho người dân trong vùng mỗi lần giặc Mỹ tấn công.
Nhờ sự giúp đỡ của các phật tử, đến nay, chùa Vĩnh Phúc bắt đầu được tu bổ, tôn tạo, đi vào hoạt động.
Theo những tài liệu của địa phương thì đây còn là ngôi chùa duy nhất ở Hương Bộc thời bấy giờ được cấp ruộng riêng. Hàng năm, dân làng thay nhau cày cấy để lấy sản phẩm phục vụ việc thờ cúng ở chùa. Điều đó chứng tỏ ngôi chùa đã có mối quan hệ chặt chẽ với đời sống nhân dân trong vùng thời bấy giờ. Chính vì thế mà các phật tử trong vùng đều tỏ ý nguyện khôi phục lại chùa.
Ông Lê Văn Đức - Trưởng ban Hộ tự chùa cho biết: “Tháng 6/2018, chùa Vĩnh Phúc nhận được quyết định của Ban Trị sự Phật giáo huyện Thạch Hà về việc thành lập Ban Hậu tự để khôi phục lại hoạt động của chùa. Sau đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã ủng hộ kinh phí để Ban Hậu tự tu bổ, tôn tạo các hạng mục kiến trúc ngôi chùa. Đến nay, một số hạng mục đã hoàn thành và chùa đã đi vào hoạt động. Chúng tôi vẫn thực hành các nghi lễ thờ cúng theo đúng nghi thức Phật giáo. Mỗi năm, chùa sẽ tổ chức 3 ngày lễ lớn: Lễ đầu năm vào ngày rằm tháng giêng; lễ Trập bụt vào ngày 8 tháng 4 âm lịch; lễ Vu lan vào ngày rằm tháng bảy. Chúng tôi cũng mong tiếp tục nhận được những tấm lòng thơm thảo của các tổ chức, cá nhân để nhiều hạng mục khác của chùa Vĩnh Phúc được tu bổ, tôn tạo”.