Cách đây 2 tuần, xã Phù Lưu (Lộc Hà) đã tiến hành thảm 1,3 km mặt bê tông đường đê Tả Nghèn (đoạn qua thôn Thái Hòa) mà chưa được sự cho phép của UBND tỉnh.
Cách đây 2 tuần, xã Phù Lưu tổ chức thảm nhựa 1,3 km mặt bê tông đê Tả Nghèn (đoạn thôn Thái Hòa) trên nền mặt bê tông trước đây đã xuống cấp. Tổng kinh phí cho hạng mục này hết hơn 1,2 tỷ đồng, được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, trong đó hơn 800 triệu đồng từ ngân sách, 400 triệu đồng được con em xa quê trên địa bàn xã hỗ trợ (thay mức đóng góp của người dân).
Việc thay thế chất liệu mặt đê từ bê tông sang đổ nhựa được UBND xã Phù Lưu thực hiện theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, trong đó 70% kinh phí do ngân sách cấp trên hỗ trợ.
Làm việc với chúng tôi, lãnh đạo xã Phù Lưu không đưa ra được các loại văn bản, giấy tờ thể hiện sự chấp thuận, thẩm định, phê duyệt của cấp trên (cơ quan cao nhất là UBND tỉnh), chưa kể việc làm này còn gây khó khăn, vướng mắc trong việc thanh quyết toán công trình.
Theo Nghị quyết 255/2020/NQ-HĐND ngày 8/12/2020 của HĐND tỉnh về tiếp tục thực hiện một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh và Nghị quyết 124/2020/NQ-HĐND ngày 29/12/2020 của HĐND huyện Lộc Hà về việc ban hành quy định tạm thời một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và phát triển sản phẩm OCOP huyện Lộc Hà giai đoạn 2021 - 2025 thì chỉ hỗ trợ thảm nhựa mặt đường bê tông, không hỗ trợ thảm mặt bê tông công trình đê điều như xã Phù Lưu đã làm. |
Điểm cuối của đoạn đê vừa được thảm nhựa (hướng từ Phù Lưu xuống xã Thạch Mỹ).
Chủ tịch UBND xã Phù Lưu Nguyễn Đức Quang thừa nhận: Do sơ suất nên khi làm hồ sơ chúng tôi “quên” xin ý kiến cấp trên, chỉ khi làm xong, được lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà nhắc nhở thì mới vỡ lẽ. Chúng tôi đã biết sai và hiện đang đề nghị các cấp, ngành giúp đỡ tháo gỡ.
“Theo quan điểm của tôi thì nên xem đây là đường giao thông vì đoạn đê này được hình thành sau đường, dựa trên nền đường cũ” - ông Nguyễn Đức Quang giải thích thêm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Thiệp - cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lộc Hà, người trực tiếp xử lý hồ sơ đầu tư xây dựng theo kế hoạch hàng năm cho xã Phù Lưu tỏ rõ sự bất ngờ. Nguyên do là khi xã xây dựng kế hoạch, làm hồ sơ đề xuất thảm nhựa mặt bê tông đường giao thông nông thôn vào đầu năm không thể hiện rõ đó là đường đê mà danh mục là đường trục thôn.
Đoạn đê mới được thảm nhựa nằm trong khu dân cư khá đông đúc ven sông Nghèn.
Ông Trần Đức Thịnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&TPNT Hà Tĩnh) khẳng định: “Việc sử dụng mặt đê làm đường giao thông được luật cho phép, nhưng để đảm bảo không làm sai chức năng, hư hỏng đê điều thì phải được cấp thẩm quyền (cụ thể ở đây là UBND tỉnh) cho phép bằng văn bản, phải làm hồ sơ thiết kế đầy đủ. Quy trình làm là xã phải có tờ trình lên huyện để huyện xin chủ trương của tỉnh. Chi cục Thủy lợi có trách nhiệm hướng dẫn địa phương.
Việc xã tự ý thảm nhựa mặt bê tông mặt đê là sai quy định, chúng tôi sẽ kiểm tra xử lý. Các địa phương khác cũng cần lưu ý khi làm việc này”.