Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 (ảnh tư liệu)
Cuộc chiến trước cửa ngõ Sài Gòn
Ngồi cạnh tôi là cựu Đại tá, nguyên Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ CHQS Hà Tĩnh Trần Hậu Tám. Anh đã có hơn 41 năm quân ngũ, tham gia chiến trường A, B, K, thương tật đến 41%, nay tuổi đã “cuối đầu 6” nhưng vẫn trẻ trung, năng động.
Cuộc chiến lịch sử đã đi qua hơn 4 thập kỷ nhưng anh vẫn nhớ như in khoảnh khắc chiến thắng và giây phút những đồng đội nằm xuống.
Trần Hậu Tám nhập ngũ ngày 5/5/1972. Sau khi bị đại bại ở chiến trường Quảng Trị, không quân và hải quân Mỹ trở lại đánh phá ác liệt miền Bắc nước ta. Trần Hậu Tám được bổ sung vào đơn vị pháo phòng không Tỉnh đội Hà Tĩnh, quần nhau với máy bay Mỹ từ Ngã ba Đồng Lộc đến các tuyến cầu, phà của Hà Tĩnh dọc đường 1A. Cũng từ những trận đánh quả cảm này, anh được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng khi chưa tròn 19 tuổi.
Ông Trần Hậu Tám (thứ hai từ trái sang) cùng đồng đội ôn lại những ngày tháng chiến đấu anh dũng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. (Ảnh tư liệu Nam Giang)
Để tăng cường lực lượng cho chiến trường lớn, cuối năm 1973, đơn vị của Trần Hậu Tám được thành lập phiên hiệu mới, mang tên Trung đoàn 266 của Sư đoàn chủ lực cơ động 341 (biệt danh Sông Lam) đóng quân ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Một tháng hành quân ròng rã bằng ô tô trên đường mòn Hồ Chí Minh, tháng 3/1975, đơn vị bí mật cơ động qua một loạt tuyến phòng thủ dày đặc của quân ngụy từ Bù Đăng, Bù Đốp, La Ngà... về trụ lại ở Định Quán (Đồng Nai) chuẩn bị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Trong hàng chục trận đánh mà anh đã trải qua, cuộc chiến 12 ngày đêm ở thị xã Xuân Lộc (thủ phủ của tỉnh Long Khánh cũ) nay là TP Long Khánh (Đồng Nai) là ác liệt, đẫm máu nhất. Đây là cuộc đọ sức gay gắt của hai lực lượng quân sự hùng hậu với hai mục đích khác nhau. Quân địch phải tự thủ cố giữ chặt cánh cửa cuối cùng vào Sài Gòn. Phía ta, kiên quyết bằng mọi giá phải phá toang chốt chặn còn lại trước khi xông vào sào huyệt của ngụy.
Đêm 24 rạng sáng 25/4/1975, Xuân Lộc thất thủ trước sức tấn công như vũ bão của quân ta. Đơn vị tiến vào ngã ba Dầu Giây, đánh chiếm sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn 3 ngụy đặt tại Trảng Bom. Cánh cửa thép Xuân Lộc bị mở toang, song một mất mát lớn đến với anh và đơn vị.
Đại tá Trần Hậu Tám - Phó Chủ tịch Hội CCB Hà Tĩnh cùng đồng đội thắp hương cho đồng đội - liệt sỹ Trần Huy Phước ở thôn Liên Nhật, xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh hy sinh ngày 28/4/1975. (Ảnh: Nam Giang)
Không may, một quả pháo địch rơi trúng đội hình một tiểu đội quân ta làm 3 đồng chí hy sinh, 4 người bị thương nặng. Cho đến giờ, đã sau 46 năm, hình ảnh 3 người đồng đội thân yêu, cùng quê Hà Tĩnh ra đi ở tuổi mười tám đôi mươi vẫn ám ảnh anh. Hằng năm, vào những dịp này, anh vẫn thường tìm về nghĩa trang, thắp hương tưởng nhớ đồng đội.
“Chúng cháu đã làm đúng lời Bác dặn!”
Trần Hậu Tám nhớ lại, trên đà chiến thắng, Sư đoàn 341 của anh lần lượt tiêu diệt các vị trí phòng ngự của địch dọc xa lộ Hà Nội, Biên Hòa, tiến thẳng vào Sài Gòn đúng vào chiều 30/4/1975. Một cảnh tượng hoảng loạn, nhốn nháo diễn ra khắp nơi. Trên các đường phố, sân bay, bến cảng từ bên ngoài đến trong nội đô, đâu đâu cũng thấy la liệt hàng đống quân trang, quân dụng, súng ống của quân ngụy vứt lại.
Những ngày tháng 4 lịch sử, Đại tá Trần Hậu Tám vẫn thường kể lại những chiến công của mình và đồng đội cho các cháu nghe (Ảnh: Nam Giang)
Thậm chí, nhiều chiếc máy bay, xe Zep nhà binh vẫn đang nổ máy nhưng chủ của nó đã cao chạy xa bay. Hàng trăm lính ngụy đủ các quân binh chủng vẻ mặt bàng hoàng, cởi trần trùng trục, nối nhau tìm đường về nhà. Khi thấy quân ta, nhiều đứa hô to: “Quân giải phóng muôn năm!”; “Bác Hồ muôn năm!” trong niềm vui chấm dứt chiến tranh, được đoàn tụ cùng gia đình.
Bộ đội đi đến đâu, dân tràn ra đến đó. Bà con giơ cao cờ, hoa, vỗ tay chào đón. Cơ man dừa, trái cây, thậm chí nhiều má còn bưng cả cơm nắm, xôi gà... ấn vào tay các chiến sĩ.
Kỷ vật theo Đại tá Trần Hậu Tám trong những năm tháng chiến đấu ở chiến trường (Ảnh: Nam Giang)
Một kỷ niệm làm anh nhớ mãi: Sau khi rời Dinh Độc Lập, đơn vị được về làm nhiệm vụ quân quản, đóng quân tại Quận Nhất (TP Hồ Chí Minh). Một hôm, có một cụ già cùng cô con gái kéo chiếc xe kéo chở hai bì gạo và con lợn chừng 80 kg đến doanh trại, nằng nặc tặng bằng được cho “các chú giải phóng”.
Anh Tám kể: “Những ngày này, lính sư đoàn tôi ra phố trong những bộ quân phục vải Tô Châu mới cong, trông rất đẹp. Mua bàn chải đánh răng, xà phòng... chụp ảnh kỷ niệm, chẳng hiệu nào lấy tiền.
Đại tá Trần Hậu Tám quây quần bên con cháu (Ảnh: Nam Giang)
Thời điểm đó, nhìn lên tấm hình Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được phóng to trên đường phố, tôi chợt nhớ lại lời căn dặn của Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu năm 1975 khi bác vào tận Lệ Thủy (Quảng Bình) giao nhiệm vụ cho sư đoàn trước khi hành quân vào Nam: Các đồng chí cần xác định tư tưởng là “Đi lâu, đi sâu, đi đến ngày thắng lợi!”.
Tự dưng mắt tôi nhòe đi vì sung sướng, bởi ngày thắng lợi đã đến thật rồi. Tôi thầm nói: “Dù phải trải qua bao mất mát, hy sinh, chúng cháu đã làm đúng lời Bác Hồ và Đại tướng căn dặn!”.
Kể đến đây, anh Tám chơm chớp khóe mắt, nhớ lại lần anh đến thắp hương cho các liệt sỹ hy sinh vào sáng 25/4/1975 tại Nghĩa trang liệt sỹ Trảng Bom (Biên Hòa) - nơi hàng trăm đồng đội đã ngã xuống trong trận chiến cuối cùng này. Anh thấy như họ vẫn vậy. Vẫn hàng ngũ chỉnh tề, bên nhau mãi mãi tuổi đôi mươi.