Tranh thủ trời nắng ráo, người dân huyện Đức Thọ ra đồng thu hoạch lạc hè thu.
Vụ hè thu 2022, huyện Đức Thọ sản xuất hơn 13 ha lạc, trong đó diện tích tập trung nhiều nhất ở xã Tùng Châu với 10,5 ha, Bùi La Nhân 2 ha, Đức Lạng 1 ha. Nhờ thời tiết thuận lợi, cây lạc sinh trưởng, phát triển tốt.
Theo ước tính, bình quân mỗi sào lạc cho năng suất từ 1,5 - 2 tạ (riêng xã Bùi La Nhân đạt 3 tạ/sào). Với giá bán 15 nghìn đồng/kg lạc tươi thì người nông dân sẽ thu về 3 triệu đồng/sào (60 triệu đồng/ha), chưa trừ chi phí đầu tư đầu vụ.
Tại xã Bùi La Nhân, vụ hè thu 2022 là vụ đầu tiên của bà con nông dân sản xuất thử nghiệm 2 ha lạc L14, phân bố tại HTX Đức La (1 ha) và HTX Long Thành (1 ha). Năm nay, thời tiết khá thuận lợi, lượng mưa nhiều nên cây lạc phát triển tốt, cho năng suất cao, đạt 3 tạ/sào.
Tranh thủ thời tiết nắng ráo, bà Bùi Thị Tình ở thôn Đông Đoài - xã viên HTX Đức La ra đồng tập trung thu hoạch 1 sào lạc của gia đình. Điều phấn khởi là sau khi lạc lên khỏi chân ruộng thì được thương lái mua ngay. Bà Tình cho biết: “Mặc dù sản xuất lạc trong vụ hè thu khó khăn hơn do thời tiết nắng nóng nhưng được giá và thị trường tốt. Thu hoạch xong, tôi bán lạc tươi tại ruộng với giá 15.000 đồng/kg".
Bà con nông dân xã Bùi La Nhân thu hoạch vụ lạc hè thu đầu tiên.
Bùi La Nhân là một trong những xã nằm ở vùng ngoài đê của huyện Đức Thọ, có diện tích đất bãi bồi ven sông lớn, phù hợp với sản xuất cây trồng cạn. Trong nhiều năm lại đây, đậu xanh là cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, năm nay, thời vụ gieo trỉa muộn nên HTX Đức La và HTX Long Thành đã vận động bà con nông dân chuyển đổi sang trồng lạc.
Ông Bùi Đức Dương - Giám đốc HTX Đức La cho biết: “Để tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích cây trồng, chúng tôi mạnh dạn chuyển đổi từ đậu xanh sang lạc hè thu. HTX hỗ trợ bà con nông dân 100% giống, hướng dẫn kỹ thuật. Bước đầu, các vùng sản xuất khá hiệu quả, lạc cho năng suất khá và bán được giá. Đây là tiền đề để HTX mở rộng diện tích lên 10 ha trong vụ hè thu năm tới”.
Năm nay, thời tiết có mưa nhiều nên cây lạc hè thu ở các xã Tùng Châu, Bùi La Nhân và Đức Lạng cho năng suất khá.
Đến thời điểm này, bà con nông dân xã Tùng Châu cũng đã cơ bản thu hoạch xong lạc hè thu. Mặc dù không phải vụ sản xuất chính, tuy nhiên, nhờ ứng dụng nhiều loại giống mới và áp dụng các quy trình kỹ thuật canh tác hiện đại nên năng suất lạc tại xã Tùng Châu được cải thiện. Từ đó, thu nhập trên đơn vị diện tích của bà con nông dân cũng tăng theo. Năm nay, năng suất bình quân lạc hè thu toàn xã đạt hơn 2 tạ/sào, cao hơn khoảng 10% - 15% so với các năm.
Chị Đào Thị Lan ở thôn Châu Thịnh, xã Tùng Châu cho biết: “Năm nay là năm thứ 4, tôi sản xuất lạc hè thu. So với các năm trước thì đây là năm được mùa nhất, củ nhiều, hạt chắc. Với năng suất ước đạt 2 tạ/sào, năm nay tôi không phải mua lạc giống cho vụ xuân tới và còn dư khoảng 2 tạ để bán lạc giống. Tôi đã chuẩn bị để có thể mở rộng thêm 2 sào nữa vào vụ hè thu năm sau”.
Ngoài bán tươi cho thương lái, bà con nông dân còn cất trữ làm lạc giống cho vụ xuân 2023.
Toàn bộ 10,5 ha lạc của xã là diện tích được chuyển đổi từ đất sản xuất đậu hè thu. Tuy nhiên, do là vùng thường xuyên bị ngập lụt, năng suất thấp nên từ năm 2018, xã Tùng Châu chủ trương chuyển đổi sang gieo trỉa lạc hè thu.
Ông Trần Đình Quyền - Trưởng thôn Châu Thịnh cho biết: “Hiện nay, bà con nông dân đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc sản xuất lạc hè thu. Đặc biệt, người dân quan tâm chăm sóc nên cây phát triển tốt. So với trồng đậu trước đây, mỗi sào bán ra khoảng 2 - 2,5 triệu đồng, trong khi lạc khoảng 3 - 4,5 triệu đồng/sào (tùy loại lạc tươi thương phẩm hay lạc giống). Việc mở rộng diện tích lạc hè thu sẽ giúp bà con nông dân chủ động được nguồn giống chất lượng cho vụ xuân năm sau”.
Việc đưa cây lạc vào sản xuất vụ hè thu thay thế cho các loại cây trồng năng suất thấp là hướng đi phù hợp của một số địa phương, nhất là các xã ngoài đê La Giang, tận dụng được diện tích bãi bồi ven sông để phát triển cây trồng cạn.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền và khuyến khích người dân tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất lạc hè thu ở một số địa phương, vừa đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, vừa chủ động được nguồn giống trong sản xuất.