Trong cuộc cách mạng 4.0, tỉnh Hà Tĩnh đã xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã sớm ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch dài hạn, kế hoạch hằng năm để đảm bảo cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số. Đây chính là định hướng quan trọng để đẩy mạnh chuyển đổi số tại Hà Tĩnh và thực tiễn đã được triển khai đồng bộ trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Nhờ đó, nhận thức về chuyển đổi số của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu, các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số được chú trọng đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân.
Anh Trần Hoài Nam – Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh chia sẻ: "Tuổi trẻ Hà Tĩnh đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi. Thời gian qua, với lợi thế nhanh nhạy làm chủ công nghệ, thích nghi nhanh môi trường số, lực lượng đoàn viên, thanh niên đã phát huy vai trò tiên phong, sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ; tích cực tham gia công cuộc chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, xã hội số.
Đồng thời, xác định vai trò tiên phong, thanh niên Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, cụ thể hóa “chuyển đổi số” thành mô hình, giải pháp, các công trình, phần việc của thanh niên; xây dựng thói quen tiêu dùng không tiền mặt; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với nền tảng số; tham gia các sàn thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử - văn hóa; triển khai hoạt động hiệu quả các “Tổ công nghệ số cộng đồng” trên địa bàn…"
Cùng với cả nước, Hà Tĩnh đang bước vào giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số, từ đó, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Năm 2024, quá trình chuyển đổi số tại Hà Tĩnh tiếp tục có những bước tiến đáng ghi nhận, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử. Dự kiến doanh thu từ các hoạt động thương mại điện tử tại Hà Tĩnh đạt khoảng 250 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2023. Kết quả này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số trên địa bàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa cho hay: "Sở đã triển khai chương trình tập huấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh về kỹ năng bán hàng, live stream trên các sàn thương mại điện tử như Tiktok, Shopee,… thu hút người dân tham dự đông đảo và lĩnh hội được nhiều kỹ năng để ứng dụng vào thực tế.
Hưởng ứng Tháng tiêu dùng số và Ngày chuyển đổi số quốc gia 2024, đơn vị đã xây dựng chuyên đề về "An toàn khi mua bán hàng hóa trong thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt". Chuyên đề này là bước đi cần thiết nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong môi trường số, cũng như trở thành một trong những giải pháp này tạo nền tảng vững chắc cho việc đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số tại Hà Tĩnh, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển, giúp tỉnh bắt kịp xu thế chung của cả nước và thế giới".
Chủ đề của Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.” Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 9/10, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đã chính thức phát động chương trình hưởng ứng Ngày Chuyển số quốc gia (10/10) năm 2024.
Trước đó, Hà Tĩnh cũng đã xây dựng và ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024. Đến nay, các hoạt động hưởng ứng đã được triển khai đồng bộ trong toàn tỉnh, được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Trong đó, có các hoạt động nổi bật như: Cuộc thi "Tìm hiểu về an toàn thông tin trên không gian mạng”; “Gameshow nhận diện lừa đảo trên không gian mạng”; tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển kinh tế số tỉnh”; chiến dịch ra quân đồng loạt “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng để phát triển kinh tế số"; nhân rộng các mô hình chuyển đổi số", "phát động tháng tiêu dùng số", "thúc đẩy sử dụng sản phẩm, dịch vụ số", "thúc đẩy sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt"....
Giám đốc Sở TT&TT Đậu Tùng Lâm cho biết, để chuyển đổi số thực sự trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động, thời gian tới chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh cần nỗ lực cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Về phía doanh nghiệp, cần nỗ lực đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số; xây dựng nền tảng số phục vụ người dân; cung cấp sản phẩm, dịch vụ số phục vụ nhu cầu xã hội; có những chính sách ưu đãi thúc đẩy người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số.
Đồng thời, tổ công nghệ số cộng đồng sẽ tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” kỹ năng sử dụng các dịch vụ, ứng dụng trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến và tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, rủi ro trên môi trường số.