Chuyên gia dịch tễ khuyến cáo gì về bệnh bạch hầu?

Điểm nguy hiểm của bệnh là tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Những trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm độc, nhiễm trùng nặng, đặc biệt là gây các tổn thương viêm cơ tim, nguy cơ tử vong cao...

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã nhấn mạnh thông tin khi chia sẻ với phóng viên về bệnh bạch hầu vừa khiến cô gái 18 tuổi ở Nghệ An tử vong.

Có nên quá lo lắng với bệnh bạch hầu?

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An xác định 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong. Tương tự, Bắc Giang cũng xác định có 15 người tiếp xúc với ca mắc.

"Những trường hợp đã tiếp xúc với ca bệnh vừa qua, chúng ta cũng không nên quá lo lắng. Những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh sẽ được uống thuốc kháng sinh dự phòng để diệt ngay vi khuẩn bạch hầu, vừa không phát bệnh nếu không may nhiễm vi khuẩn và không trở thành nguồn lây bệnh cho người khác"- PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dù thuộc nhóm B. Nguồn lây có thể là người bệnh, người lành mang trùng.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dù thuộc nhóm B. Nguồn lây có thể là người bệnh, người lành mang trùng.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dù thuộc nhóm B. Bệnh lây theo đường hô hấp theo hình thức giọt bắn có thể lây trực tiếp do tiếp xúc với người bệnh khi nói, ho, hắt hơi… hoặc gián tiếp qua tiếp xúc với các dịch tiết chứa vi khuẩn từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng (mang vi khuẩn bạch hầu nhưng không có triệu chứng bệnh).

Bệnh cũng có thể lây gián tiếp do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu như quần áo, tay… mà chúng ta vệ sinh kém.

"Như vậy, nguồn lây có thể là người bệnh, người lành mang trùng nên nhiều khi chúng ta không biết bị lây từ nguồn nào" - PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Theo các chuyên gia, bệnh bạch hầu lưu hành trên toàn cầu, thường xuất hiện tản phát hoặc gây ra các vụ dịch nhỏ, chủ yếu ở nhóm dưới 15 tuổi do không được tiêm vaccine hoặc chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vaccine đầy đủ. Bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh và kháng độc tố bạch hầu (SAD) và có thể dự phòng bằng vaccine.

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

Người mắc bệnh bạch hầu thường xuất hiện những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, họng đỏ, nuốt đau, ho, khàn tiếng, mệt, da hơi xanh, chán ăn. Sau 2-3 ngày, người bệnh xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời người bệnh có thể hồi phục bình thường.

Bệnh có thể gây ra các biến chứng như tắc nghẽn đường hô hấp do giả mạc từ hầu họng lan xuống, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim, liệt do tổn thương các dây thần kinh vận động và có thể tử vong.

Tại Việt Nam, trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước; từ khi vaccine phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó, người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.

Bệnh bạch hầu có thể gây ra các biến chứng như tắc nghẽn đường hô hấp do giả mạc từ hầu họng lan xuống, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim, liệt do tổn thương các dây thần kinh vận động và có thể tử vong...
Bệnh bạch hầu có thể gây ra các biến chứng như tắc nghẽn đường hô hấp do giả mạc từ hầu họng lan xuống, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim, liệt do tổn thương các dây thần kinh vận động và có thể tử vong...

Phòng chống bệnh bạch hầu thế nào?

Trước câu hỏi, vậy tại sao bệnh bạch hầu hay xảy ra ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa? PGS .TS Trần Đắc Phu cho biết, tại miền núi chúng ta vẫn có những vùng gọi là "vùng trũng" tiêm chủng, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, vệ sinh kém. Người dân ở đó sống biệt lập, ít giao lưu nên không có miễn dịch tự nhiên do nhiễm phải cũng không có miễn dịch do tiêm chủng nên khi có dịch thường bùng phát ở miền núi, vùng sâu vùng xa.

Có nhiều yếu tố dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng tại một số vùng thấp như do ảnh hưởng của dịch COVID-19, gián đoạn cung ứng vaccine nên nhiều trường hợp không tiêm vaccine hoặc tiêm không đủ liều.

Cũng có thời gian dịch bùng phát ở các tỉnh Tây Nguyên song hiện nay không có dịch xảy ra nhờ tiêm chiến dịch Td (vaccine uốn ván, bạch hầu) cho người dân ở khu vực này.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, mặc dù bệnh hay xảy ra ở khu vực miền núi nhưng chúng ta cũng không được chủ quan, khi dịch bùng phát thì bất kỳ ở đâu, thành phố hay nông thôn, miền núi, những ai không có miễn dịch (do tiêm chủng hoặc do nhiễm phải) thì đều có khả năng mắc bệnh có triệu chứng hoặc nhiễm vi khuẩn và trở thành người lành mang trùng lại mang vi khuẩn đi lây cho người khác.

Về lâu dài, biện pháp phòng bệnh hiệu quả vẫn là tiêm vaccine. Trẻ cần được tiêm đúng lịch, đủ liều cơ bản sau đó thì tiêm nhắc lại theo lịch tiêm chủng của Bộ Y tế. Người lớn cần tiêm nhắc lại khoảng 10 năm một lần. Tại những vùng có nguy cơ cao, có thể thực hiện những chiến dịch tiêm vét, tiêm bổ sung…

Tiêm vaccine phòng chống bệnh bạch hầu tại Gia Lai.
Tiêm vaccine phòng chống bệnh bạch hầu tại Gia Lai.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

-Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu theo lịch tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch;

-Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

-Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời;

-Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng, tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Trước đó, Cục Y tế dự phòng chiều 8/7 đã có văn bản gửi Sở Y tế Nghệ An và Sở Y tế Bắc Giang về việc chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu.

Để chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan kéo dài, trên diện rộng, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh Nghệ An và Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo quy định.

Đồng thời đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.

Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu 2 Sở Y tế trên chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường trên địa bàn; thực hiện tiêm bổ sung, tiêm vét ngay khi có vaccine, lưu ý các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực đi lại khó khăn.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bệnh bạch hầu, các biện pháp phòng chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trong quá trình điều trị.

Cùng đó, tổ chức việc theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên tại các cơ sở đào tạo; thường xuyên vệ sinh, thông thoáng lớp học, thông báo kịp thời cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch.

Bên cạnh đó rà soát, đảm bảo công tác hậu cần về vaccine, thuốc điều trị kháng sinh dự phòng, huyết thanh kháng độc tố, hóa chất… để triển khai các nhiệm vụ chống dịch; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực hỗ trợ đảm bảo công tác hậu cần phục vụ chống dịch...

Cũng tại văn bản này, Cục Y tế dự phòng đề nghị Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

suckhoedoisong.vn

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.