Chiều 23/11, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2022, triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp và đề án sản xuất vụ xuân 2023. |
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt và Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tuấn Thanh chủ trì hội nghị.
Tổng sản lượng lương thực đạt trên 61,8 vạn tấn
Hà Tĩnh triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2022 trong điều kiện gặp khó khăn, thách thức do giá các vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao, điều kiện thời tiết, dịch bệnh diễn biến khó lường... Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành nông nghiệp sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2022 tiếp tục duy trì đà phát triển, đạt kết quả khá toàn diện, hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tuấn Thanh trình bày báo cáo tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2022, triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp và đề án sản xuất vụ xuân 2023.
Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (theo giá so sánh) ước đạt trên 13.828 tỷ đồng, tăng khoảng 2,5% so với 2021; giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích ước đạt trên 96 triệu đồng/ha; tổng sản lượng lương thực đạt trên 61,8 vạn tấn; tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 53% giá trị sản xuất nông nghiệp...
Năng suất, sản lượng lúa vụ xuân và vụ hè thu đạt tương đối cao.
Sản xuất lúa vụ xuân và hè thu đạt kết quả khá; trong đó, năng suất lúa vụ xuân đạt 55,99 tạ/ha; vụ hè thu đạt 50,27 tạ/ha; các cây trồng cạn, rau màu cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch.
Cây ăn quả (cam, bưởi Phúc Trạch) tiếp tục được mùa, tổng diện tích tăng 6,5%, sản lượng quả thu hoạch ước tăng 11,3% so với năm 2021.
Đặc biệt, các mô hình dồn điền, đổi thửa, tập trung ruộng đất phát triển mạnh, cho hiệu quả rõ nét, tạo phong trào lan tỏa và được Nhân dân đồng tình cao. Đến nay, tổng diện tích dồn điền đổi thửa, tích tụ toàn tỉnh đạt trên 6.336 ha (tăng thêm trên 1.960 ha so với năm 2021). Các địa phương có diện tích thực hiện nhiều nhất là: Can Lộc, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh.
Tình hình chăn nuôi cơ bản phát triển tốt, các địa phương đã kiểm soát an toàn các ổ dịch phát sinh, tăng tỷ lệ chăn nuôi lợn hình thức trang trại (trên 60% tổng đàn). Tổng sản lượng thủy sản ước đạt trên 55.000 tấn; công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định được thực hiện quyết liệt.
Đến nay, độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 52,25%.
Công tác quản lý nhà nước về vật tư phân bón, chất lượng nông, lâm, thủy sản được đảm bảo, tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp ổn định.
Phấn đấu diện tích sản xuất cây trồng vụ xuân 2023 đạt 81.062 ha
Triển khai kế hoạch sản xuất năm 2023, ngành nông nghiệp xác định quan điểm: tập trung chỉ đạo, cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu và nội dung định hướng về phát triển nông nghiệp sinh thái; chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp theo Nghị quyết số 19-NQ/TW về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển các chuỗi sản phẩm chủ lực; lấy thị trường, khoa học công nghệ và liên kết với doanh nghiệp thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác là động lực để điểu chỉnh kế hoạch, đề án, phương án sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp.
Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Quyết thông tin về tình hình diễn biến thời tiết trong thời gian tới trên địa bàn Hà Tĩnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá, nhận định tình hình về sản sản xuất nông nghiệp năm 2023; đồng thời, thảo luận và thống nhất các mục tiêu như: phấn đấu phục hồi tốc độ tăng trưởng đạt 3%/năm; tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản (giá so sánh) đạt trên 14.250 tỷ đồng (nông nghiệp 11.435 tỷ đồng, lâm nghiệp 825 tỷ đồng, thủy sản 1.990 tỷ đồng); giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích trên 97,5 triệu đồng/ha...
Đại biểu tại các điểm cầu huyện, thị, thành phố tham gia thảo luận tại hội nghị.
Về đề án sản xuất vụ xuân 2023, toàn tỉnh phấn đấu diện tích các cây trồng vụ xuân đạt 81.062 ha (lúa đạt 59.049 ha, lạc đạt 8.954 ha, ngô đạt 5.381 ha, khoai lang đạt 1.572 ha...). Đối với sản xuất lúa, các địa phương căn cứ thời gian sinh trưởng của từng giống để bắc mạ trong khung thời vụ từ 20/12/2022 - 8/02/2023.
Về kế hoạch tưới, diện tích tưới vụ xuân toàn tỉnh năm 2023 là 55.191 ha, trong đó, doanh nghiệp đảm nhận tưới trên 29.215 ha, còn lại là các địa phương. Diện tích tưới vụ hè thu sẽ được cân đối trên cơ sở nguồn nước sau khi kết thúc tưới vụ xuân 2023.
Kết luận hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt đề nghị, trên cơ sở chỉ tiêu định hướng, kế hoạch sản xuất năm 2023, các địa phương tiến hành xây dựng các đề án sản xuất theo mùa vụ và tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt phát biểu tại hội nghị.
Trước mắt, cần chuẩn bị tốt các điều kiện cho sản xuất vụ xuân 2023, đặc biệt là về giống, thời vụ, dự báo tinh hình dịch bệnh. Cùng đó là tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất an toàn theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn VietGAP và các mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ; triển khai sản xuất liên kết theo cánh đồng lớn gắn với chuyển đổi số ở những vùng có điều kiện.
Tập trung kêu gọi, xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư các dự án mới, phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh; khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng, phát triển sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết số 04-NQ/TU về thực hiện Đề án xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết 06-NQ/TU về tập trung tích tụ ruộng đất, Nghị quyết 51-NQ/HĐND về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2022-2025… để huy động các nguồn lực, phát triển nông nghiệp toàn tỉnh.