Không phải vào viện tâm thần đều là điên
Cánh cổng Bệnh viện Tâm thần mở ra cũng là lúc chúng tôi lạc vào thế giới mà mọi người thường cho là “dành cho người điên”.
Tiếp đón chúng tôi ngay từ cổng, bác sỹ Nguyễn Phi Thọ - Phó Giám đốc bệnh viện chia sẻ: “Gọi là bệnh viện tâm thần nhưng không có nghĩa người vào đây toàn là điên loạn, mà mỗi người một triệu chứng, biểu hiện nặng nhẹ khác nhau..”.
Bác sĩ thăm khám sức khỏe của bệnh nhân nghiện chất
Dẫn chúng tôi đến Khoa Cấp tính nam, nơi chuyên điều trị cho các bệnh nhân là nam giới, hình ảnh đầu tiên bắt gặp là những cậu thanh niên, những bác trung niên ngồi nhấp nhổm trên những hàng ghế đá nhìn chúng tôi với những ánh mắt ngơ ngác vô hồn, hoặc dò xét, hay tỉnh táo hệt như những người bình thường.
Điều dưỡng trưởng Trần Khắc Tới chia sẻ: “Hiện nay, khoa đang điều trị trên 35 bệnh nhân. Người vào đây khá đa dạng, ngoài bị tâm thần phân liệt thì còn có các bệnh: trầm cảm, rối loạn tâm thần sau chấn thương sọ não, nghiện chất (nghiện rượu và ma túy), tự kỷ, tăng động, sang chấn tâm lý, mất ngủ, lo âu… Trong số này nghiện chất có thời điểm chiếm tới 30% số bệnh nhân trong khoa".
Phòng cách ly điều trị cho các bệnh nhân nặng, không làm chủ được bản thân
Bác sỹ Nguyễn Xuân Hà cho biết thêm: “Mỗi loại bệnh một triệu chứng, đối với những bệnh nhân tâm thần phân liệt, nghiện chất, rối loạn tâm thần sau chấn thương sọ não, trầm cảm thì thường không còn nhận thức được bản thân, hay nói nhảm, hoang tưởng, ảo giác và không làm chủ được bản thân khi phát bệnh”.
Vừa dứt lời, bác sỹ Hà chỉ tay ra một người đàn ông trạc khoảng 50 tuổi đang ngồi thẫn thờ ngoài sân, rồi nói: “Như bệnh nhân L. bị tâm thần phân liệt, hôm qua phát bệnh, lên cơn la hét, nói nhảm và ném hết đồ đạc của mình. Các bác sỹ phải can thiệp mới ổn định lại tinh thần”.
Có nhiều bệnh nhân nặng, thường hay phát bệnh, kích động, chống đối, các bác sỹ phải bố trí ở phòng bệnh riêng biệt để tránh gây nguy hiểm cho những bệnh nhân khác.
Một số em bé bị tự kỷ, tăng động cũng cần sự trợ giúp của các bác sĩ
Tuy nhiên, không phải cứ vào bệnh viện tâm thần thì đều bị điên loạn như mọi người thường nghĩ. Có nhiều bệnh nhân vào điều trị tại đây đơn giản chỉ vì có một số triệu chứng như: mất ngủ kéo dài, hay lo âu, bồn chồn, suy giảm trí nhớ hoặc trẻ tự kỷ, tăng động, nên cần được sự can thiệp, tư vấn điều trị của các bác sỹ.
Nói chuyện với chúng tôi với một trạng thái rất bình thường, tỉnh táo, anh N.V.H (Đức Thọ) bộc bạch: “Mấy tuần gần đây em thường bị mất ngủ và hay lo âu vẩn vơ, ăn uống kém, người mệt mỏi, đi khám ở bệnh viện đa khoa thì không phát hiện ra bệnh gì. Nên em vào đây để nhờ bác sỹ hướng dẫn, tư vấn nhằm ổn định lại tinh thần. Sau hơn 1 tuần điều trị em thấy tâm lý thoải mái lên rất nhiều”.
Hay như chị T.T.V (Can Lộc) do thời gian gần đây hay bị đau đầu, người nôn nao, tinh thần bất an nên chị vào điều trị tại Khoa Cấp tính nữ để được hỗ trợ điều trị.
Bệnh viện đã huy động nguồn lực cải tạo các sân chơi thể thao, giúp người bệnh thư giãn tinh thần
Bác sỹ Trần Hậu Anh - Trưởng khoa Cấp tính nữ chia sẻ: “Rất nhiều người có các triệu chứng như: mất ngủ kéo dài, hay lo lắng, bồn chồn, căng thẳng, đãng trí… nhưng chưa được điều trị kịp thời. Ngoài việc người dân chưa hiểu về bệnh tâm thần thì nguyên nhân lớn nhất vẫn là do tâm lý nghi ngại, mặc cảm với 2 chữ “tâm thần”. Rất nhiều người đưa chồng, con đến bệnh viện chỉ để khám, kê đơn, lấy thuốc rồi lặng lẽ ra về chứ nhất quyết không ở lại viện điều trị, khiến cho bệnh không được chữa triệt để”.
Đồng cảm với người bệnh
Đối với nghề y, chữa trị cho những bệnh nhân có tâm lý bình thường vốn đã khó khăn vất vả, việc chăm sóc, điều trị cho người bệnh tâm thần còn khó khăn bội phần.
Các bác sĩ tiến hành đo điện não cho bệnh nhân tâm thần phân liệt
Bác sỹ Nguyễn Phi Thọ chia sẻ: “Làm việc tại bệnh viện này việc bị bệnh nhân tấn công là chuyện hết sức bình thường. Khi bệnh nhân bị tâm thần phân liệt, nghiện chất đột ngột phát bệnh, họ sẽ tấn công người xung quanh. Hầu như tất cả các y, bác sỹ ở bệnh viện, kể cả ban giám đốc cũng đều đã từng bị bệnh nhân tấn công. Ngay như mấy hôm trước, điều dưỡng Tới đang nói chuyện bình thường với một bệnh nhân nhưng đột nhiên người này phát bệnh lao vào xé rách áo của điều dưỡng Tới”.
Cá biệt, nhiều bệnh nhân khi lên cơn không còn nhận thức được bản thân ngoài việc hò hét, đạp phá thì phóng uế bữa bãi lên chăn chiếu, phòng ốc. Ngay sau đó cán bộ, nhân viên bệnh viện lại phải lau dọn.
Bác sĩ bệnh viện tâm thần phải có sự kiên trì, nhiệt tình và chịu khó
Chuyển công tác từ một bệnh viện tuyến huyện về Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh, hộ lý Trần Thị Ánh Nguyệt - Khoa Cấp tính nam giải bày: “Làm ở bệnh viện đa khoa tuyến huyện quen với việc chăm sóc cho những người “tỉnh” nên khi chuyển về đây, mới đầu em có cảm giác sợ hãi, lo lắng, khi thấy bệnh nhân kích động, đập phá... Có đêm ngủ vẫn còn giật mình. Tuy vậy, lâu dần thành quen và thấy thương, đồng cảm cho những con người bất hạnh, với những số phận éo le, những câu chuyện ngang trái...".
Để nâng cao hiệu quả điều trị, Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh đã mời các bác sỹ chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I về khám, tư vấn cho người bệnh và chuyển giao các quy trình khám, điều trị lâu dài cho cán bộ, nhân viên y tế.
“Đã làm một bác sỹ gắn với bệnh nhân tâm thần thì quan trọng nhất vẫn là sự kiên trì, nhiệt tình và chịu khó. Bác sĩ điều trị bệnh nhân tâm thần không những chữa về bệnh lý mà còn chữa về tâm lý, có lúc phải dỗ dành, động viên, lắng nghe người bệnh tâm sự nhưng có lúc phải nghiêm khắc”, bác sỹ Trần Hậu Anh bộc bạch.
Các y, bác sỹ làm việc tại đây đã luôn tận tụy, hết lòng vì bệnh nhân
Đối với nhiều người, nhắc đến bệnh viện tâm thần, bệnh nhân tâm thần là ai cũng mang một chút tâm lý ái ngại, sợ sệt. Thế nhưng đối với các y, bác sỹ làm việc tại đây, họ đã luôn tận tụy, hết lòng, đồng cảm với những câu chuyện, hoàn cảnh của người bệnh. Họ đã, đang làm những việc ít người dám làm, gieo niềm hy vọng về một cuộc sống bình thường cho những bệnh nhân đặc biệt.