Anh Trần Mạnh Hà là người vừa tổ chức trồng lại cánh rừng 10 ha sau vụ hỏa hoạn tháng 6/2019.
Những trảng rừng cháy xám trong cơn hỏa hoạn năm 2019 ở Hồng Lĩnh, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang bắt đầu lên xanh. Niềm vui, niềm hy vọng lại trở về tươi mới hơn trong lòng người dân…
Đứng trên ngọn đồi Tiểu khu 92A, thuộc địa bàn thị trấn Xuân An (Nghi Xuân), anh Trần Mạnh Hà - công nhân trồng rừng (phường Đậu Liêu - TX Hồng Lĩnh) không khỏi bồi hồi trước những hàng thông, keo đang bén rễ xanh tốt. Cũng như nhiều cư dân quanh vùng, Mạnh Hà phấn khởi vì rừng đã bắt đầu hồi sinh…
Nhìn ngoại hình của cậu thanh niên 24 tuổi đời ấy, tôi không thể tin nổi, chính cậu là người vừa tổ chức trồng lại cánh rừng 10 ha sau vụ hỏa hoạn lịch sử tháng 6/2019.
Mạnh Hà cho biết: “Ông bà và bố mẹ tôi đều dành cả cuộc đời gắn bó với rừng. Bố mẹ từng là công nhân trồng rừng nên tình yêu rừng trong tôi được hình thành từ nhỏ. Đó cũng là lý do tôi chọn ngành lâm sinh khi vào đại học. Tuy vậy, sau khi tốt nghiệp, tôi vẫn còn hoài nghi lựa chọn của mình nên loanh quanh với bạn bè thử sức ở nhiều công việc khác. Mất một năm, tôi mới nhận ra trồng và bảo vệ rừng mới là tình yêu thực sự của mình”.
Khu vực rừng Hồng Lĩnh bị tàn phá nặng nhất sau vụ hỏa hoạn tháng 6/2019 đã bắt đầu hồi sinh.
Tháng 6/2019, khi Mạnh Hà vừa chân ướt chân ráo vào thử việc ở Ban Quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh với vai trò nhân viên thiết kế thì vụ hỏa hoạn xẩy ra. Ngay khi nhận tin báo phát lửa ở khu rừng thuộc thôn 7 (xã Xuân Hồng, Nghi Xuân), Hà đã tức tốc cùng đồng đội lao đến đám cháy dập lửa. Đánh vật với “bà hỏa” cùng các lực lượng chức năng ròng rã suốt 3 ngày, khi đám lửa được dập tắt cũng là lúc Hà gần như kiệt sức.
Lòng nhiệt huyết dành cho rừng của người thanh niên trẻ đã được “thử lửa”. Vậy nên, ngay khi có kế hoạch trồng lại rừng, BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh đã giao khoán cho Trần Mạnh Hà trồng mới 10 ha rừng. Với sức trẻ, tình yêu rừng cùng trình độ của một kỹ sư lâm nghiệp, Mạnh Hà nhanh chóng tổ chức đội trồng rừng 50 người.
Nhờ trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, cây thông mới được trồng lại trên núi Hồng Lĩnh nhanh chóng “bén đất” và sinh trưởng tốt.
Chỉ trong 2 tháng (từ tháng 1 - tháng 2/2020), đội trồng rừng của Hà đã trồng được 16.000 cây keo và thông, vượt kế hoạch gần 1 tháng.
Mạnh Hà chia sẻ: “Sau vụ hỏa hoạn, nhìn đồi núi trơ trọi, những cây thông hàng chục năm tuổi bị cháy đen, tôi đau xót vô cùng. Đó không chỉ là công sức của nhiều thế hệ tạo nên mà rừng còn là “lá phổi xanh” giữ môi trường ôn hòa cho cư dân sống quanh đây. Mong muốn rừng xanh trở lại nên dù việc trồng rừng trên đất Hồng Lĩnh gặp không ít khó khăn nhưng chúng tôi đã không quản ngại thời tiết, cùng nhau nỗ lực trồng lại trong thời gian nhanh nhất có thể”.
Với sự năng nổ trong công việc, Mạnh Hà được BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh ký hợp đồng làm việc, giao nhiệm vụ tiếp tục chăm sóc khu rừng vừa trồng được và kiêm thêm vai trò công nhân bảo vệ rừng Hồng Lĩnh. Khi thời tiết bắt đầu nắng nóng, Mạnh Hà cùng các bác, các cô chú trong BQL ngày đêm canh gác rừng 24/24h không ngừng nghỉ.
Sau vụ hoả hoạn tháng 6/2019, những người giữ rừng càng ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình và mặc cho thời tiết nắng nóng, họ hầu như không rời mắt khỏi rừng...
So với nhiều bạn cùng trang lứa, Hà chọn cho mình con đường không bằng phẳng, nhiều thử thách nhưng anh tin tình yêu rừng và nghề bảo vệ rừng là lựa chọn đúng đắn để được sống có ý nghĩa.
Rừng là “lá phổi xanh” - những người dân mưu sinh nhờ rừng càng hiểu rõ giá trị đó. Tuy nhiên, trong những giới hạn nhận thức nào đó, đôi khi chính những người chủ rừng lại chủ quan trong việc bảo vệ rừng. Và, vụ hỏa hoạn kéo dài đợt tháng 6/2019 đã để lại những bài học thấm thía đối với những chủ rừng ở nhiều địa phương.
Khu vườn keo bắt đầu lên xanh của ông Nguyễn Văn Trông
Ông Nguyễn Văn Trông (thôn 7, xã Xuân Hồng) trao đổi: “Vụ cháy rừng năm 2019 là một vụ hỏa hoạn chưa từng có trong lịch sử. Riêng gia đình tôi bị thiệt hại 2 ha keo. Hơn thế nữa, phải chống chọi với “bà hỏa” trong thời gian dài đã khiến chúng tôi càng thấm thía hơn bài học về phòng chống cháy rừng”.
Sau vụ hỏa hoạn, gia đình ông Trông là một trong những hộ nhanh chóng tái sinh diện tích rừng. Giờ đây, khi rừng đã bắt đầu xanh trở lại, không chỉ ông Trông mà tất cả các cư dân ở đây đều rất phấn khởi. Tất cả đều hy vọng, màu xanh sẽ sớm che phủ đi những “vết thương” mà trận hỏa hoạn để lại.
Sau vụ hỏa hoạn lịch sử, chính quyền và người dân sống gần rừng Hồng Lĩnh cảnh giác cao hơn trong mùa nắng nóng.
Ông Nguyễn Đình Thiện - Trưởng thôn 7 cho biết: “Vụ hỏa hoạn năm ngoái đã khiến bà con trong thôn thấm thía sâu sắc vai trò của rừng trong cuộc sống. Thời gian này, chúng tôi không chỉ tập trung chăm sóc, chờ mong từng ngày rừng xanh tốt lại mà còn thường xuyên nhắc nhở nhau nắm bắt những thông tin tuyên truyền phòng chống cháy rừng, cảnh giác từng phút, từng giây. Nhất là khi mùa hè đến, nắng nóng và gió lào khiến rừng rất dễ phát lửa nếu có ai đó sơ ý, mất cảnh giác”.
Cũng theo ông Thiện, bên cạnh phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng trong việc tuyên truyền phòng cháy trên loa phát thanh hàng tuần, trong các cuộc họp, thôn cũng thường xuyên lồng ghép nhắc nhở bà con cảnh giác cao độ với “bà hỏa”.
Người dân đã có ý thức hơn trong việc phòng cháy nhưng không vì thế mà lực lượng chức năng chủ quan. Trong những ngày nắng nóng, BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh dường như thức cùng rừng. Toàn bộ nhân viên của BQL, kể cả lực lượng không chuyên “cứu hỏa” như văn thư, kế toán… vẫn sẵn sàng túc trực trong những ngày chủ nhật, ngày lễ.
Từ những mầm xanh mới, những câu chuyện về tình yêu rừng của người dân bản xứ lại được khoác lên những lớp lang mới, dày dặn hơn, nhiều kinh nghiệm hơn… Trong ảnh: Thôn 7, Xuân Hồng (Nghi Xuân) - nơi phát lửa đầu tiên trong vụ cháy rừng tháng 6/2019.
Ông Nguyễn Hải Vân - Phó Trưởng BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cho hay: “Tuyên truyền sâu rộng tới tận hộ dân, đi tuần thường xuyên, mở đường băng rộng lên đỉnh đồi, tập huấn công tác cứu rừng khi có sự cố… là những hoạt động được chúng tôi chuẩn bị chu đáo. Mùa hè cũng là lúc chúng tôi tăng cường tuần tra và trực liên tục 24/24h không nghỉ. Bài học từ vụ cháy vào tháng 6/2019 khiến BQL rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu để thực hiện công tác tốt hơn”.
Đứng trên non cao của dãy Ngàn Hống, vẫn còn thấy những trảng rừng cháy xám, trơ trọi nhưng với những người như Mạnh Hà, như ông Trông, với ý thức sâu sắc từ vụ hỏa hoạn năm 2019, rừng đã bắt đầu xanh lại. Nhìn những mầm xanh đang bắt đầu thắm màu trên 67 ha rừng bị thiêu rụi năm 2019, tôi cảm nhận được tâm tư cũng như niềm hy vọng của người dân nơi đây.
Từ những mầm xanh mới, những câu chuyện về tình yêu rừng, về cách yêu rừng của chính những người dân bản xứ lại được khoác lên những lớp lang mới, dày dặn hơn, nhiều kinh nghiệm hơn…