Hồ chứa nước thượng nguồn sông Trí - 1 trong 2 hồ chứa lớn trên địa bàn xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh – Hà Tĩnh).
Về thôn 1, xã Kỳ Hoa những ngày này, nỗi lo nguồn nước sạch luôn hiện hữu trong những câu chuyện của người dân nơi đây. Mặc dù chưa đến mùa hè – mùa “khan” nước nhất trong năm nhưng 276 hộ dân với hơn 800 nhân khẩu đã và đang đối diện với nỗi lo “khát” nước.
Hiện tại, nguồn nước duy nhất của toàn thôn là nước ngầm. Tuy nhiên, mạch nước ngầm tụt sâu lại nhiễm phèn, vì vậy, để “khai thác, sử dụng” được còn lắm gian truân.
Giếng đào ở thôn 1, xã Kỳ Hoa gần như không sử dụng được vì bị nhiễm phèn, có mùi tanh.
Ông Phạm Văn Sơn (thôn 1, xã Kỳ Hoa) cho biết: Sử dụng giếng đào gần như là điều không thể, bởi hầu hết đều bị nhiễm phèn, có mùi tanh. Nhiều hộ dân buộc phải sử dụng giếng khoan. Tuy nhiên, cũng phải khoan sâu 20 – 30m, thậm chí 50m mới có nước. Dù vậy, nước lại không sạch, bị nổi váng, có màu đỏ đục chỉ sau vài ngày bơm lên sử dụng.
Để có nước sạch, người dân buộc phải bỏ từ 4 đến 10 triệu đồng mua máy lọc về sử dụng. Thế nhưng, giải pháp này xem ra cũng không bền vững do nước bị nhiễm phèn nặng nên hệ thống ống nước máy lọc thường xuyên bị tắc, chi phí thay mới tốn kém mà chất lượng nước sạch cũng không cải thiện được nhiều.
Vì vậy, các hộ dân phải dùng giếng khoan và máy bơm lên bể chứa để xử lý qua bộ phận máy lọc nước.
Chị Võ Thị Tuyết (thôn 1) lo lắng: “Nước bị nhiễm phèn, cứ lọc được vài tuần là bộ lọc lại đầy cặn, thay liên tục thì tốn kém mà không thay thì không an tâm sinh hoạt, ăn uống. Quần áo trắng, qua vài lần giặt là ra màu “cháo lòng”, bát ăn cơm, cốc uống nước đều bị nước phèn làm cho hoen ố. Người dân chúng tôi rất khao khát được sử dụng nước máy”.
Mong muốn của chị Tuyết cũng là nguyện vọng của hàng trăm hộ dân thôn 1. Thậm chí, tại khu quy hoạch đất ở mới Bàu Đá, có 20 hộ dân đã làm nhà ở nhưng đến nay, ngoài đường điện chưa có thì nước sạch cũng không.
Tuy nhiên, do nước bị nhiễm phèn nặng nên hệ thống ống máy lọc thường xuyên bị tắc, chi phí thay mới tốn kém...
May mắn với một số hộ dân thôn 1 là nhờ ở giáp với phường Hưng Trí, có đường ống nước sạch nên đã tự bỏ tiền kéo nước về sử dụng. Theo ông Nguyễn Văn Minh, trước đấy, gia đình sử dụng giếng đào nhưng nước quá bẩn. Cực chẳng đã, năm ngoái ông đã cùng 10 hộ khác góp tiền lắp đường ống đấu nối với tuyến nước sạch của phường Hưng Trí về dùng.
“Chi phí hàng chục triệu đồng nhưng còn hơn phải ăn, uống nguồn nước ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe” – ông Minh cho hay.
... trong khi chất lượng nguồn nước cũng không cải thiện được nhiều.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Cường – Chủ tịch UBND xã Kỳ Hoa cho biết: Trên địa bàn hiện có 2 hồ chứa nước là Kim Sơn và hồ chứa nước thượng nguồn sông Trí, cung cấp nước cho các khu công nghiệp và nước sinh hoạt cho toàn thị xã.
Để có 2 hồ này, người dân Kỳ Hoa đã giải phóng hàng nghìn héc-ta đất rừng và đất canh tác nhưng đến nay, họ vẫn bị thiệt thòi vì không có nước sạch dùng do chưa được đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước. Nghiêm trọng nhất là hơn thôn 1 và thôn 3 với gần 400 hộ phải sử dụng nguồn nước phèn, nhiễm bẩn.
“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên UBND thị xã Kỳ Anh và công ty cấp nước nhưng chưa có kết quả” – ông Cường thông tin thêm.
Cực chẳng đã, một số hộ dân đã cùng góp tiền lắp đường ống đấu nối với tuyến nước sạch của phường Hưng Trí về dùng.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Phan Duy Vĩnh cho hay: Trong những năm qua, chính quyền TX Kỳ Anh đã có sự quan tâm đầu tư nước sạch nhưng đang ưu tiên một số xã, phường bị ảnh hưởng nặng do nhiễm phèn, mặn; còn những vùng nào đang có thể sử dụng được mạch nước ngầm được thì đưa vào lộ trình xã hội hóa. Vì vậy, nằm dưới nguồn nước nhưng Kỳ Hoa chưa thể sử dụng được nước máy do chưa có hệ thống đường ống dẫn nước.
“Sắp tới, TX Kỳ Anh sẽ triển khai xây dựng, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải do Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ. Cùng với đó, thị xã sẽ nâng cấp hệ thống đường ống nước máy đến tất cả các xã, phương. Lúc đó, việc khát nước sạch trên toàn địa bàn sẽ được giải quyết cơ bản” - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Phan Duy Vĩnh thông tin thêm.