Mở đầu buổi tiếp xúc cử tri, Phó Trưởng đoàn BBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn báo cáo chương trình, nội dung kỳ họp sắp tới, đồng thời gợi mở một số nội dung cần trao đổi về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD và dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD.
Báo cáo tại buổi tiếp xúc cho thấy, những tháng đầu năm, các ngân hàng, TCTD trên địa bàn đã triển khai kịp thời các cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng, đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Diên, Giám đốc Agribank Hà Tĩnh: “Bộ luật Dân sự 2015 đã bỏ quyền thu giữ tài sản đảm bảo, điều nay sẽ khó khăn cho việc xử lý tài sản đảm bảo của chủ nợ.”
Tính đến 30/4, tổng nguồn vốn huy động đạt 37.149 tỷ đồng, tăng 8,64% so với đầu năm, tăng 18,21% so với cùng kỳ; doanh số cho vay đạt 18.050 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2016), dư nợ đạt 33.531 tỷ đồng (tăng 1,64% so với đầu năm, tăng 19,12% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, dư nợ tín dụng vẫn tăng trưởng chậm; dư nợ cho vay theo các quyết định lãi suất giảm 27% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành vẫn nằm trong giới hạn cho phép (1,83%) nhưng đang có xu hướng tăng lên.
Ông Kiều Đình Hòa, Giám đốc BIDV Hà Tĩnh: “Quá trình thu giữ tài sản đối với khách hàng nợ xấu gặp rất khó khăn do ngân hàng không có sự đồng hành của chính quyền các cấp, trong khi đó các luật liên quan đến quyền của ngân hàng lại không rõ ràng, tạo sức ép cho ngân hàng”
Tại buổi tiếp xúc, đại diện Ngân hàng Nhà nước tỉnh đề nghị Chính phủ có chính sách mang tính chất dài hạn để tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi; có chính sách cho phép các TCTD khoanh nợ đối với các cơ sở sản xuất chăn nuôi do nguyên nhân về khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Ông Phan Viết Phong, Giám đốc Vietcombank Hà Tĩnh: Thời gian xử lý nợ tài sản bảo đảm qua tòa án quá dài khiến cho việc giải quyết nợ xấu khó khăn. Đó là chưa kể trong thời gian hầu tòa, nếu con nợ không hợp tác thì cũng khó mà thu hồi được nợ
Liên quan đến kiến nghị ban hành Nghi quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu, đề án “xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và đề án “Thành lập công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC)”, tuy đã giải quyết được một khối lượng nợ xấu lớn (cả nước gần 500 nghìn tỷ đồng), song vẫn tồn tại nhiều vướng mắc, khó khăn. Quá trình xử lý nợ xấu của TCTD chủ yếu bằng trích lập dự phòng, quản lý rủi ro và bán nợ cho VAMC.
Ông Nguyễn Đình Khánh, Phó Giám đốc Vietinbank Hà Tĩnh: 4 năm hoạt động, số nợ xấu mà VAMC xử lý được vẫn còn hạn chế, không đủ nguồn lực, cơ chế và chính sách quy định pháp lý phù hợp để xử lý nhanh nợ xấu. Việc ban hành Nghị quyết xử lý nợ xấu của Quốc hội là hoàn toàn cần thiết.
Các ngân hàng cho rằng việc xử lý nợ xấu chỉ mới là phần ngọn, hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, là vướng mắc do cơ chế chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của các tổ chức tín dụng; quy định của pháp luật đối với xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế hiệu quả của việc xử lý nợ xấu.
Những xung đột pháp lý trong xử lý nợ xấu có thể dẫn đến những nguy cơ mất an toàn hệ thống tín dụng, khiến các TCTD dễ bị tổn thương trước những tác động bất lợi của môi trường kinh doanh, trong khi đó, nền kinh tế lại lệ thuộc lớn vào tổ chức tín dụng.
Phó Đoàn Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn ghi nhận những góp ý sâu sắc của đại diện các ngân hàng xung quanh hoạt động của toàn hệ thống, cũng như những kiến nghị ban hành Nghị quyết xử lý nợ xấu của Quốc hội. Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, tổng hợp các ý kiến để trình lên Quốc hội trong kỳ họp tới