35 nhà màng trồng hoa cho giá trị gấp 20 lần trồng lúa
Từ mô hình trồng hoa cúc đầu tiên của gia đình ông Hồ Sỹ Thiên...
Năm 2004, ông Hồ Sỹ Thiên (thôn Xuân Sơn, xã Bắc Sơn cũ, nay là xã Lưu Vĩnh Sơn) mang kỹ thuật trồng hoa cúc về quê hương sau nhiều năm vào TP Đà Lạt chăm sóc hoa thuê. Ban đầu, ông chỉ trồng thử vài luống nhỏ trong nhà. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc thuần thục nên diện tích hoa cúc của ông Thiên cứ thế tăng lên.
Nhận thấy nguồn lợi nhuận, nhiều hộ dân của thôn Xuân Sơn đã đến học ông Thiên cách trồng hoa. Nhờ cách “cầm tay chỉ việc” của ông Thiên, phong trào trồng hoa cúc bắt đầu hình thành ở thôn Xuân Sơn từ khoảng chục năm trước.
... đã nở rộ phong trào trồng hoa ở thôn Xuân Sơn (xã Lưu Vĩnh Sơn) hiện nay.
Khi kinh nghiệm giàu thêm, hoa cúc Bắc Sơn (cũ) dần nổi tiếng trên thị trường cũng là lúc người dân nghĩ đến việc ứng dụng công nghệ cao và sản xuất theo quy mô hàng hóa.
Năm 2017, với dự án hỗ trợ do Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà triển khai, ông Thiên cùng 4 hộ dân trồng hoa của thôn Xuân Sơn đã đầu tư nhà màng kiên cố. Lúc bấy giờ, cứ 1 m2 nhà màng trị giá 300 ngàn đồng thì họ được hỗ trợ 150 ngàn đồng.
Xã Lưu Vĩnh Sơn hiện có 35 nhà màng chuyên trồng hoa phục vụ tết.
Phong trào trồng hoa trong nhà màng tiếp tục lớn mạnh khi năm 2019, nông dân xã Bắc Sơn (cũ) được tiếp sức bởi Nghị quyết 07/NQ-HĐND của HĐND huyện Thạch Hà. Theo đó, 1 m2 nhà màng được hỗ trợ 100 ngàn đồng (chính sách áp dụng với mô hình từ 200 m2 trở lên). Từ 5 hộ trồng hoa cúc trong nhà màng đã nâng lên 9 hộ vào năm 2019.
Ông Bùi Công Thư - Phó Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn thông tin: “Hoa cúc là loại cây chủ lực đã làm thay đổi đời sống kinh tế của người dân thôn Xuân Sơn và Đồng Vịnh. Theo tính toán, cứ mỗi sào hoa cúc sẽ cho lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/vụ, cao gấp 20 lần trồng lúa. Ngoài vụ hoa vào dịp tết, mỗi năm, nông dân còn trồng 2 vụ dưa lưới mang về nguồn thu lớn”.
Cúc là loài hoa chủ lực của làng hoa Xuân Sơn với đa dạng chủng loại.
Với tiểu khí hậu, đất đai vùng bán trà sơn rất thích hợp cho trồng hoa và dưa lưới trong nhà màng. Năm 2020, xã đã triển khai chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích nông dân phát triển mô hình. Theo đó, với mỗi hộ trồng mới hoa và dưa lưới sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng. Từ đây, đã tạo nên phong trào thi đua sản xuất rầm rộ. Riêng năm 2020, đã có 26 hộ đầu tư nhà màng, nâng số hộ trồng hoa hiện nay lên 35 hộ với tổng diện tích gần 2 ha.
Nông dân canh vườn, diệt sâu bệnh cho hoa
2020 là một năm khó khăn đối với các hộ trồng hoa ở xã Lưu Vĩnh Sơn. Ông Hồ Sỹ Lưu (thôn Xuân Sơn) cho hay: “Với 2 nhà màng diện tích 1.200 m2, vụ này gia đình tôi xuống giống 57.000 cây hoa cúc các loại như: kim cương, pha lê, ruby, mờ đỏ…
Đã nhiều năm trồng cúc song chưa năm nào khó như năm nay. Đầu vụ chúng tôi đã mua vôi bột, phun khử khuẩn, xử lý môi trường sau mưa lũ; trước khi xuống giống tăng cường bón phân nhưng cây vẫn bị sâu keo mùa thu và nấm phá hại. Một số diện tích hoa bị hư phải làm lại, một số chậm phát triển mặc dù gia đình đã chi 3 triệu đồng mua thuốc đặc trị”.
Ông Hồ Sỹ Lưu đã chi 3 triệu đồng mua thuốc diệt trừ nấm, sâu bệnh trên hoa
Không riêng vườn hoa của nhà ông Lưu mà nhiều hộ trồng hoa trên địa bàn như: ông Trương Hữu Phương, Hồ Sỹ Thiên, Bùi Công Trình… cũng ghi nhận tình trạng này.
Năm nay, một số diện tích hoa cúc của xã Lưu Vĩnh Sơn bị nấm, sâu bệnh, cây phát triển không đều
Ông Nguyễn Đình Phúc - công chức địa chính, nông nghiệp, xây dựng xã Lưu Vĩnh Sơn cho biết: “Trận lũ lịch sử hồi tháng 10/2020 đã mang vi khuẩn về trú ngụ trong đất. Đất ngâm trong nước lâu ngày, ẩm ướt cũng phát sinh các loại nấm mốc. Từ khi xuống giống (đầu tháng 10 âm lịch) đến nay, hoa cúc liên tục gặp nấm bệnh, thối rễ. Một số diện tích bị chết, phải trồng lại, một số diện tích cây chậm lớn. Vụ này, nông dân tốn nhiều công chăm sóc và chi phí mua vôi, thuốc diệt trừ nấm bệnh cho hoa”.
Cán bộ nông nghiệp xã Lưu Vĩnh Sơn kiểm tra tình hình sâu bệnh hại trên hoa cúc
Mặc dù điều kiện canh tác khó khăn, song, để có một vụ hoa thắng lợi, phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nông dân Lưu Vĩnh Sơn đã nỗ lực xử lý sâu bệnh, chăm sóc vườn hoa theo kinh nghiệm lâu năm cũng như các biện pháp hướng dẫn khoa học. Đến nay, dịch bệnh trên hoa đã dần được khống chế.