Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh thường xuyên có các bệnh nhân liệt tủy (gây liệt hai chân chi hoặc tứ chi kèm theo các rối loạn khác) đến điều trị. Mỗi bệnh nhân có một hoàn cảnh, nguyên nhân gây bệnh khác nhau nhưng họ đều giống nhau là phải điều trị lâu dài, rất kiên trì mới có cơ hội phục hồi.
Bác sỹ Khoa Nội - Nhi, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh hương dẫn bệnh nhân liệt tủy luyện tập tại giường bệnh
Bệnh nhân Nguyễn Thị Sỹ (42 tuổi), ở xóm Tùng Liên, xã Đồng Lộc (Can Lộc) chia sẻ: "Cách đây 2 tháng, khi đi lùa bò từ đồng về thì tôi bất ngờ bị bò quay lại thúc trúng vào cổ. Tôi bị ngã ngửa và ngay lập tức nhận thấy 2 chân lạnh buốt không còn cảm giác. Người nhà đưa tôi ra Bệnh viện Việt Đức, phẫu thuật xong thì cho về bệnh viện tỉnh trong tình trạng tứ chi bị liệt và rối loạn tiểu tiện. Điều trị tại BVĐK Hà Tĩnh được 1 tuần, tôi được chuyển đến Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh. Qua 2 tháng điều trị, tuy chuyển biến chậm nhưng ngón tay tôi đã có thể bắt đầu cử động được, một chân cũng đã có thể co duỗi và việc trở lật người qua lại cũng đã dễ dàng hơn trước đây…"
Bệnh nhân Võ Thị Tuyết, ở xóm 1, xã Hương Giang (Hương Khê) trước đây cũng nhập viện trong tình trạng liệt tứ chi và rối loạn tiểu tiện như bệnh nhân Sỹ nhưng sau nhiều năm điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, đã có thể tự đi lại được.
Sau gần 3 năm kiên trì điều trị, bệnh nhân Võ Thị Tuyết đã có thể tự đi lại và tự phục vụ sinh hoạt bản thân
Bệnh nhân Tuyết chia sẻ: "Cuối năm 2016, trong khi tôi đạp xe đạp ra đồng làm cỏ thì xe bị gãy ghi đông khiến tôi ngã xuống đường bê tông, 2 tay bị co quắp. Gia đình cho ra bệnh viện Trung ương nhưng họ trả lời là không mổ được và cho về BVĐK Hà Tĩnh điều trị. Tâm lý khủng hoảng cao độ, cứ nghĩ mình đã hết cách cứu chữa nên tôi xin về nhà. Nằm liệt giường mấy tháng, rất may, có người giới thiệu vào Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh. Được các bác sỹ và kỹ thuật viên hướng dẫn luyện tập, không ngờ, chân tay hồi phục dần (tuy chậm). Tôi bắt đầu có hy vọng nên điều trị hết đợt này tôi lại nhập viện tiếp tục điều trị đợt khác. Đến nay, tôi đã có thể tự đi lại và tự phục vụ bản thân".
Tổn thương tuỷ sống là một trong những bệnh lý nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh, thậm chí là tính mạng của người bệnh. Chiếm phần lớn bệnh nhân liệt tủy tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh là do hậu quả của những va đập chấn thương mạnh như tai nạn giao thông, tai nạn lao động (do ngã từ trên cao xuống...) hoặc tai nạn nặng trong sinh hoạt hằng ngày.
Bệnh nhân liệt tủy thường chiếm từ 10-15% bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện. Điều đáng nói là nhóm người bị bệnh chủ yếu trong độ tuổi lao động, đặc biệt là lứa tuổi thanh niên. Gánh chịu hậu quả của tổn thương tủy sống làm họ trở thành gánh nặng cho chính bản thân, gia đình và xã hội.
Bệnh nhân được chăm sóc vật lý trị liệu
Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh Nguyễn Thị Diện cho biết: Mục tiêu chính của phục hồi chức năng là làm cho người bị tổn thương tủy sống có thể độc lập tối đa trong các hoạt động sống hằng ngày, tái hòa nhập gia đình và cộng đồng.
Năm 2011, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh được tổ chức HI (tổ chức phi chính phủ) hỗ trợ xây dựng mô hình và chuyển giao kỹ thuật chăm sóc điều trị bệnh nhân liệt tủy. Đến nay, bệnh viện duy trì hiệu quả bền vững. Tùy theo mức độ tổn thương của bệnh nhân, nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bệnh viện, bệnh nhân có thể đi lại được hoặc ít nhất cũng có thể tự phục vụ bản thân.
Phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt tủy càng sớm càng tốt, và tiến hành liên tục về sau. Tuy nhiên, theo bác sỹ Diện, khó khăn nhất hiện nay là rất nhiều bệnh nhân tổn thương tủy sống mặc cảm, bi quan với tình trạng sức khỏe của mình.
Mặt khác, phải điều trị lâu dài nên nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn do thiếu điều kiện kinh tế và người chăm sóc nên bỏ dở điều trị, bệnh nhân phải ở nhà nằm liệt giường, tạo cơ hội cho lở loét tấn công và đánh mất cơ hội phục hồi.