Lãnh đạo tỉnh và nhà đầu tư thực hiện nghi thức khởi công xây dựng 2 dự án năng lượng tại Vũ Quang.
Cuối tháng 4 vừa qua, 2 dự án năng lượng gồm Trung tâm Điều hành hệ thống năng lượng công nghệ cao và Nhà máy Thuỷ điện Vũ Quang do Tổng Công ty Cơ điện xây dựng - CTCP (AGRIMECO) đầu tư được khởi công tại huyện Vũ Quang.
2 dự án có tổng mức đầu tư gần 850 tỷ đồng, khi đi vào hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng với sự phát triển của ngành công nghiệp cũng như kinh tế Hà Tĩnh. Cụ thể, Trung tâm Điều hành hệ thống năng lượng công nghệ cao sẽ là trung tâm quản lý, điều hành hệ thống năng lượng công nghệ cao của các nhà máy thủy điện trên địa bàn các tỉnh miền Trung. Trong khi đó, Nhà máy Thủy điện Vũ Quang đi vào hoạt động sẽ cung cấp trung bình mỗi năm 12,5 triệu kWh điện cho hệ thống điện quốc gia.
Tại buổi lễ khởi công, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc AGRIMECO Lê Văn An nhấn mạnh: Hiện nay, AGRIMECO đang nghiên cứu các hồ thủy lợi của Hà Tĩnh để phát triển thủy điện tích năng và năng lượng mặt trời trên mặt hồ... để có thể phát triển thêm hàng nghìn MW điện, bổ sung nguồn năng lượng đáng kể cho lưới điện quốc gia, phần tăng trưởng phát triển kinh tế của tỉnh.
Thép và phôi thép từ Formosa là sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp Hà Tĩnh.
Đây là 2 dự án mới góp phần tô sáng thêm bức tranh thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp Hà Tĩnh. Với những chính sách “trải thảm đỏ” để mời gọi các nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn, thời gian qua, Hà Tĩnh đã thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và người nước đầu tư nhiều dự án quy mô lớn vào địa bàn, đóng góp lớn cho ngành công nghiệp, trở thành “cú hích” tạo đột phá trong phát triển kinh tế.
Có thể kể đến dự án đi vào hoạt động, góp phần quan trọng vào tăng trưởng giá trị công nghiệp, trở thành đầu tàu trong phát triển kinh tế như: dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy Bia Sài Gòn – Hà Tĩnh, các nhà máy may mặc, xơ sợi dệt, bao bì…
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 là doanh nghiệp đóng góp lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp, tăng thu ngân sách.
Hay các dự án đang triển khai xây dựng, lắp đặt máy móc và được kỳ vọng tạo sức bật cho ngành công nghiệp như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II, Nhà máy sản xuất Pin VINES, Nhà máy liên doanh sản xuất Pin Lithium VinES-Gotion…
Theo Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng, các dự án công nghiệp hoạt động hiệu quả làm đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tạo sự tăng trưởng bền vững cho ngành công nghiệp và nền kinh tế tỉnh nhà. Hà Tĩnh cũng đang được nhiều nhà đầu tư tiếp tục quan tâm khảo sát, tìm hiểu trên các lĩnh vực như điện gió, hạ tầng công nghiệp, chế biến chế tạo…
Nhà máy sản xuất Pin VINES đang được tập trung nghiệm thu để chuẩn bị đưa vào sản xuất.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt đã vạch rõ những định hướng phát triển của từng ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư vào địa bàn. Theo đó, phương hướng phát triển công nghiệp là phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm gắn với mục tiêu đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; tập trung phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế như: thép, sản phẩm từ thép, dệt may, vật liệu xây dựng chất lượng cao, dược phẩm sinh học...
Về phát triển khu, cụm công nghiệp, ngoài các khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế Vũng Áng và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, đến năm 2030, quy hoạch 5 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.287 ha và 45 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.892 ha.
Quy hoạch tỉnh định hướng tập trung phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế như thép, sản phẩm từ thép.
Để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng, hiện nay, tỉnh đang kêu gọi đầu tư nhiều dự án lĩnh vực công nghiệp như: tổ hợp nhà máy tinh chế thép; tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô và linh kiện ô tô; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ khu công nghiệp Bắc Thạch Hà; tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ khu công nghiệp Gia Lách; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu các cụm công nghiệp; các dự án thứ cấp vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng…
Hà Tĩnh tiếp tục tập trung phát triển các ngành có lợi thế như thép, sản xuất điện, may mặc, sản xuất dược phẩm...
Ông Trần Nguyễn Huỳnh – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư tỉnh cho biết: Trên lĩnh vực công nghiệp, tỉnh đang định hướng tập trung thu hút đầu tư các ngành có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; sử dụng tiết kiệm đất, áp dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường; có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao và đóng góp lớn cho xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước.
Cùng đó, thu hút các dự án sản xuất cơ khí, chế biến - chế tạo, các sản phẩm từ thép; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; chế biến nông - lâm - thủy sản; sản xuất dược phẩm; dệt, may mặc nhưng ưu tiên các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hoá; một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động mà Hà Tĩnh có lợi thế.