Phần mềm “công sở thông minh” là sự tích hợp của 4 phần mềm về cập nhật dữ liệu, tra cứu TTHC, đánh giá sự hài lòng của người dân và tìm hiểu thông tin các địa danh, địa chỉ trên địa bàn.
Khi cần tra cứu về các bộ TTHC hay các thông tin liên quan đến NTM, các địa chỉ đỏ... trên địa bàn, người dân chỉ cần tìm qua máy tra cứu
Được triển khai đầu tiên tại xã Tượng Sơn (Thạch Hà) từ cuối năm 2017, phần mềm “công sở thông minh” cấp xã đã giúp người dân rút ngắn thời gian, thủ tục và tiến độ giải quyết các TTHC.
Bác Nguyễn Văn Hiền, người dân xã Tượng Sơn chia sẻ: "Nếu như trước đây khi lên UBND xã để xin giấy tờ tôi phải chờ đợi lâu, thậm chí không biết các bước cần thiết để xin dấu, hay không biết hồ sơ của mình được xử lý đến công đoạn nào, bao giờ có kết quả, thì nay chúng tôi được được cung cấp mã số giải quyết. Đây vừa là số thứ tự để biết mình ở lượt giải quyết thứ mấy, vừa có thể dùng để quét mã vạch để biết được tiến độ giải quyết hồ sơ của mình đến mức độ nào."
Ứng dụng phần mềm "công sở thông minh", việc giao dịch các TTHC tại Tượng Sơn trở nên dễ dàng hơn, rút ngắn được thời gian, thủ tục
Anh Trần Hậu Lý, công chức Văn phòng UBND xã Tượng Sơn cho biết: "Qua thực tế vận hành cho thấy, ngoài góp phần giảm bớt thời gian, thủ tục, nhân lực trong xử lý công việc, phần mềm còn giúp cập nhật thông tin, dữ liệu của các địa phương. Tất cả thông tin về chương trình xây dựng NTM, mô hình tiêu biểu, các khu dân cư, vườn mẫu hay chỉ số đường trục thôn, liên thôn đều được cập nhật đầy đủ. Khi cần số liệu bất kỳ một đơn vị, địa điểm nào trong ngoài thôn, thậm chí ở huyện khác, hay địa chỉ đỏ trong tỉnh, chỉ cần mở máy ra là có thông tin đầy đủ. Ngoài ra, các bộ TTHC cấp tỉnh cũng chỉ cần một cú click chuột người dân có thể mở ra xem chi tiết, tránh được rất nhiều phiền hà."
Dẫu mới chỉ đi vào vận hành thử nghiệm nhưng tại xã Cẩm Bình, phần mềm "công sở thông minh" đã góp phần hỗ trợ các công chức rất nhiều trong xử lý công việc
Cuối năm 2018 vừa qua, kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân khi đến thực hiện các TTHC tại xã Tượng Sơn là 98%, điều này đã ít nhiều nói lên hiệu quả từ việc vận hành phần mềm “công sở thông minh”.
Học hỏi từ Tượng Sơn, đầu năm 2019, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) cũng đã chạy thử phần mềm này. Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình Nguyễn Thiên Toàn khẳng định: "Sau khi áp dụng thử nghiệm, phần mềm góp phần xử lý công việc rất hiệu quả, cán bộ chuyên môn cũng dễ dàng hỗ trợ nhau trong thực hiện nhiệm vụ, mà mục tiêu cao nhất là giải quyết thủ tục nhanh gọn, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi đến giao dịch. Bên cạnh đó, lãnh đạo cũng thực hiện tốt hơn vai trò điều hành, quản lý công việc; đồng thời, đảm bảo thông suốt TTHC từ xã đến huyện, tỉnh."
Với hệ thống màn hình lớn, người dân dễ dàng theo dõi các thông tin sau tra cứu
Chị Nguyễn Thị Linh, công chức Văn phòng Thống kê xã Cẩm Bình bày tỏ: "Tôi thấy, đối với cán bộ, phần mềm này không khó để sử dụng, nhưng với người dân cần thêm thời gian để hướng dẫn, thậm chí có lúc “làm hộ”. Bởi khó khăn lớn nhất đó là đa số người dân chưa tiếp cận được với công nghệ thông tin, các giao dịch chủ yếu vẫn theo lối truyền thống và để thay đổi cần thời gian không hề ngắn. Vì vậy, song song với vận hành, chúng tôi đang trực tiếp hướng dẫn, tuyên truyền bà con sử dụng để phần mềm “công sở thông minh” sẽ thực sự mang đến sự văn minh, chuyên nghiệp.
Được biết, từ cuối năm 2017 đến nay, tại Hà Tĩnh đã có hơn 13 xã triển khai phần mềm này. Với hiệu quả từ các xã thí điểm, hiện nay Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đang phối hợp với các địa phương khác trong toàn tỉnh nhân rộng mô hình này.