Từ đầu năm lại nay, Công ty CP Sao Mai tuyển mới được 130 lao động ở bộ phận dệt thì đã có tới 70 lao động tự ý nghỉ việc
Trong dây chuyền sản xuất bao bì của Công ty CP Sao Mai, dệt là khâu khó nhất và cần thời gian đào tạo lao động nhiều nhất so với các bộ phận khác. Theo đó, lao động muốn thành thạo công việc trong khâu dệt phải cần tới 6 tháng để đào tạo tay nghề.
“Công đoạn dệt chủ yếu là lao động nữ bởi đặc thù công việc cần sự tỉ mẩn, cẩn thận, yêu cầu kỹ thuật cao trong từng chi tiết sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều lao động ở lĩnh vực này lại “ngại” việc bưng vác dẫn đến tình trạng đứng máy được một thời gian rồi “dứt áo ra đi”. Đó cũng là nguyên nhân chính lý giải cho việc biến động lao động ở khâu này nhiều hơn cả.
11 tháng, bộ phận dệt tuyển mới được 130 lao động thì đã có tới 70 lao động tự ý nghỉ việc. Các công đoạn khác như: Vận chuyển, in ấn, may, đóng gói sản phẩm... thì tỷ lệ lao động bỏ việc có giảm hơn. Từ đầu năm lại nay đã có trên 100 lao động của công ty bỏ việc. Thực trạng này đã tác động xấu tới chiến lược sản xuất, kinh doanh của công ty.” – đó là chia sẻ của anh Nguyễn Hữu Cương – Trưởng phòng Tổ chức Công ty CP Sao Mai.
Hơn 100 lao động bỏ việc đã ảnh hưởng xấu tới chiến lược sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Sao Mai
Mức độ biến động lao động lớn dẫn đến hệ quả nhiều thời điểm doanh nghiệp không sản xuất đủ đơn hàng, phải giãn tiến độ giao hàng. Hơn nữa, việc lao động "bỏ cuộc giữa chừng" gây lãng phí thời gian, chi phí đào tạo của công ty.
Hiện tổng số lao động đến thời điểm này của công ty là 325 người. Lao động chủ yếu là người Hà Tĩnh với mức lương khá ổn định, dao động từ 5 – 8 triệu đồng/người/tháng.
Công ty CP Sao Mai đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà máy số 2 trên diện tích 14.000 m2 với tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng. Khi nhà máy số 2 hoàn thành, đi vào hoạt động, công ty sẽ cần tới 200 lao động trực tiếp sản xuất. Để có thể giữ chân số lao động hiện có và tuyển lao động mới, Công ty CP Sao Mai đã xây dựng chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới.
Khi nhà máy số 2 hoàn thành, đi vào hoạt động, công ty sẽ cần tới 200 lao động trực tiếp sản xuất
Trưởng phòng Tổ chức Công ty CP Sao Mai nhấn mạnh cho biết: "Với mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm, tăng sản lượng xuất khẩu vào các thị trường "khó tính" như: Thái Lan, Maylaysia, Singapore, Canada…, đòi hỏi công ty phải có lực lượng lao động lành nghề và mang tính ổn định cao.
Thời gian tới công ty sẽ lựa chọn, tuyển dụng các lao động có tay nghề, có ý thức trách nhiệm với nghề. Mặt khác, công ty cũng sẽ có những đãi ngộ nhằm đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động. Chỉ khi người lao động yên tâm sản xuất, doanh nghiệp giữ chân lao động lâu dài mới phát triển được bền vững.”
Với sản phẩm chủ lực là bao bì nông sản, bao bì xi măng, túi xách siêu thị..., từ đầu năm lại nay Công ty CP Sao Mai đã sản xuất 45 triệu sản phẩm với doanh thu đạt 275 tỷ đồng (đạt 140% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt 94% so với kế hoạch năm 2018). Sản phẩm bao bì của công ty được đánh giá cao về tiêu chuẩn, chất lượng với 85% thị trường nội địa và 15% sản phẩm xuất khẩu. |