Cụ Nguyễn Chuyển kể cho phóng viên Báo Hà Tĩnh nghe về hành trình cả cuộc đời đi theo Đảng và Bác Hồ làm cách mạng
Cụ Nguyễn Chuyển sinh năm 1922, ở xã Kỳ Phú (nay là xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh), lớn lên trong phong trào cách mạng sục sôi của các tầng lớp nhân dân yêu nước.
Được thừa hưởng phẩm chất của người cha (cụ Nguyễn Biều) - một hạt nhân tham gia nhiều tổ chức trong phong trào cách mạng địa phương nên từ thuở nhỏ, Nguyễn Chuyển đã dần hình thành ý niệm về sự đấu tranh để giành quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc...
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng bộ huyện Kỳ Anh được thành lập (tháng 6/1930) với hàng loạt phong trào, hoạt động cách mạng diễn ra sôi nổi, đều khắp từ huyện đến các làng xã.
Đền Phương Giai - nơi diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ huyện Kỳ Anh (ngày 4 - 5/6/1930) nay đã được trùng tu, tôn tạo. Ảnh: PV
Cùng với việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, các tổ chức quần chúng và lực lượng tự vệ của Đảng ở xã Kỳ Phú cũng được phát triển mạnh mẽ; ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình nhận thức và tinh thần cách mạng của người học trò có khí chất Nguyễn Chuyển…
Năm 1934, cha ông là Nguyễn Biều bị bắt giam, sau đó bị ốm và qua đời, Nguyễn Chuyển bắt đầu tham gia hoạt động trong các phong trào đấu tranh và được tổ chức trực tiếp giao những công việc như: Liên lạc, rải truyền đơn…, bắt đầu cho một thời kỳ đấu tranh sôi nổi sau này.
“Mặc dù còn nhỏ tuổi, nhưng ngày đó, được cách mạng cho đứng vào tổ chức và giao việc cho làm là vô cùng hạnh phúc. Hiểm nguy, vất vả cũng coi như không, nhiệm vụ nào tôi cũng cố gắng hoàn thành…” - cụ Chuyển tâm sự.
Tháng 8/1945, Nhật tuyên bố đầu hàng đồng minh. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa hừng hực khắp nơi. Bộ máy cai trị của chính quyền Nhật và phong kiến ở Kỳ Anh bắt đầu tê liệt.
Cụ Chuyển nhớ như in: Vào trưa 18/8/1945, khi đang là chỉ huy của một đội thanh niên cứu quốc, cụ được hòa vào rừng người với cờ đỏ sao vàng tung bay rợp trời, hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, cùng kéo về huyện đường, giành chính quyền về tay nhân dân theo lời hiệu triệu của Ủy ban Khởi nghĩa huyện Kỳ Anh.
Dòng ký ức về ngày huyện Kỳ Anh khởi nghĩa giành chính quyền vẫn nguyên vẹn trong ký ức người đảng viên kiên trung
Tham gia hoạt động sôi nổi trong nhiều tổ chức cách mạng tại địa phương như: Thanh niên cứu quốc, Tự vệ đỏ, Du kích, Quân báo... với nhiều thành tích xuất sắc, góp phần củng cố tổ chức và xây dựng phong trào cách mạng lớn mạnh, năm 1948, người thanh niên ưu tú Nguyễn Chuyển được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng - bước ngoặt quan trọng nhất trong đời mà cụ luôn trân trọng, tự hào.
Năm 1949, đảng viên trẻ Nguyễn Chuyển tình nguyện lên đường nhập ngũ. Qua 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, người lính Nguyễn Chuyển đã có mặt trên hàng chục chiến trường, tham gia hàng trăm cuộc chiến đấu. Đặc biệt, nhiều địa danh, nhiều tuyến lửa ác liệt đã từng ghi dấu chân ông như: Chiến dịch Trung Lào, Hạ Lào, đường 9 Nam Lào, đèo Mang Giang; chiến dịch Tây Nguyên, đường 9 - Khe Sanh; cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân…
Phát huy truyền thống, các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nỗ lực, kiên trì xây dựng, phát triển huyện Kỳ Anh ngày càng giàu đẹp. (Trong ảnh: Mộc góc Ngã ba Voi, xã Kỳ Phong). Ảnh: P.V
Đầu năm 1975, do sức khỏe không tốt, ông được xuất ngũ sau nhiều cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Ghi nhận công lao của cụ, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Trở về quê hương, phát huy phẩm chất của một đảng viên, người lính Cụ Hồ, ông tiếp tục đảm nhận nhiều công việc tại địa phương. Dù ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Đến nay, dù tuổi cao nhưng cụ Nguyễn Chuyển vẫn thường xuyên theo dõi các thông tin về sự phát triển của quê hương, đất nước qua các phương tiện thông tin đại chúng
Tiếp bước chân cha, người con trai Nguyễn Viết Lượng lên đường chiến đấu và năm 1978, đã anh dũng hy sinh trong một trận đánh lớn tại mặt trận Tây Nam của Tổ quốc.
Trong niềm xúc động, tự hào chung cũng có những nỗi đau thương mất mát, nhưng điều cụ tâm đắc và thường chia sẻ với thế hệ sau, đó là “trong suốt một đời hoạt động và cống hiến, dù ở đâu hay làm gì, Đảng luôn là lẽ sống, là niềm tin, là ngọn đuốc soi đường để chúng tôi - những đảng viên kiên trung, những người dân yêu nước dám quên cả thân mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc”.