Hà Tĩnh hiện có 3 sàn thương mại điện tử; 14 đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển hàng thu tiền hộ với hơn 1.000 người giao hàng (shipper). Tốc độ phát triển mạnh mẽ của kinh doanh thương mại điện tử trong những năm gần đây đang đặt ra những thách thức lớn cho cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là trong công tác chống thất thu thuế.
Ông Chu Tất Đắc – Trưởng phòng Quản lý hộ kinh doanh, cá nhân và thu khác (Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Kinh doanh trên nền tảng số Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube... không cần địa chỉ kho hàng. Chỉ cần ở đâu có internet là đều có thể kinh doanh, kể cả người bán không có hàng. Vì vậy, công tác thu thuế trong hoạt động thương mại điện tử hết sức khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp của các ngành khác như: Sở TT&TT, Sở Công thương, Công an tỉnh...”.
Mới đây nhất, ngày 4/6, Tổng cục Thuế đã ban hành Công điện số 01/CĐ-TCT về quyết liệt triển khai hiệu quả việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố, cục thuế doanh nghiệp lớn khẩn trương triển khai rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tiếp thị liên kết, cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm… đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp bán hàng hóa, dịch vụ.
Để cụ thể hóa nhiệm vụ, ngày 20/6, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công văn số 2001/CTHTI-HKDCN về việc triển khai thực hiện Công điện số 01/CĐ-TCT. Theo đó, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các phòng đôn đốc, hướng dẫn các sàn thương mại điện tử và các tổ chức kinh doanh thương mại điện tử đăng ký, kê khai nộp thuế theo đúng quy định; các chi cục tăng cường khai thác dữ liệu, thông tin về thương mại điện tử của các sàn cung cấp trên trang thuế điện tử và kho dữ liệu tập trung của ngành; phân tích số liệu sao kê tài khoản từ các ngân hàng chuyển về các cá nhân, hộ kinh doanh để có biện pháp quản lý thuế theo quy định.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, ngành thuế Hà Tĩnh đã ban hành 22 công văn yêu cầu cung cấp thông tin các cá nhân kinh doanh thương mại điện tử gửi đến 22 ngân hàng trên địa bàn và cả nước; 8 công văn gửi các công ty có chi nhánh hạch toán phụ thuộc đang cung cấp dịch vụ chuyển hàng thu tiền hộ trên địa bàn Hà Tĩnh để yêu cầu cung cấp thông tin các cá nhân có giao dịch thương mại điện tử; ban hành 6 công văn gửi đến các cục thuế để đề nghị phối hợp cung cấp thông tin các cá nhân trên địa bàn có kinh doanh.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh đã thu hơn 2,6 tỷ đồng tiền thuế từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, tăng gấp 3 lần so với kết quả năm 2023. Hiện nay, đơn vị đang tập trung xử lý số liệu sao kê tài khoản ngân hàng của hộ kinh doanh đã thu thập được để tiến hành truy thu thuế theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Xuân Thường – Trưởng phòng Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh) nhấn mạnh: “Theo quy định, cá nhân, hộ kinh doanh sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân khi có doanh thu trên 100 triệu đồng trong một năm. Vì vậy, các hộ kinh doanh bán hàng online cần chủ động kê khai nộp thuế đúng quy định về nghĩa vụ nộp thuế của Nhà nước".
Với nhiều giải pháp đồng bộ, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh đang ngày càng “siết chặt” quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử. Thời gian tới, ngành thuế sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng triển khai quyết liệt các giải pháp để vừa đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ cho người kinh doanh online vừa tránh thất thu nguồn ngân sách cho Nhà nước. Trong đó trọng tâm là đẩy mạnh thu thuế trên sàn thương mại điện tử, đẩy mạnh thanh tra - kiểm tra đối với kinh doanh thương mại điện tử để các cơ sở kinh doanh nhận thức đầy đủ trách nhiệm và cam kết thực hiện nghiêm túc việc kê khai, nộp thuế theo quy định nhằm chống thất thu ngân sách Nhà nước.