Năm 2023, Hà Tĩnh được Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách 5.619 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao dự toán thu 8.000 tỷ đồng (thu tiền sử dụng đất 1.800 tỷ đồng; thu thuế, phí 6.200 tỷ đồng). Đây là mức giao thu cao nhất từ trước đến nay ở Hà Tĩnh.
Cán bộ Cục Thuế Hà Tĩnh hỗ trợ doanh nghiệp kê khai thuế
Trong bối cảnh kinh tế được dự báo tiếp tục gặp khó khăn, nhiệm vụ thu ngân sách là áp lực cũng như thách thức lớn đối với Cục Thuế Hà Tĩnh. Để hoàn thành dự toán được giao, ngay từ tháng đầu năm, ngành đã phát động thi đua phấn đấu thu vượt 8.000 tỷ đồng tiền thuế, phí và tiền sử dụng đất năm 2023 và ban hành văn bản chỉ đạo triển khai dự toán thu ngân sách.
Ông Nguyễn Thành Vinh - Trưởng phòng Nghiệp vụ - dự toán - pháp chế (Cục Thuế Hà Tĩnh) cho biết: “Dù triển khai đồng loạt các giải pháp ngay từ đầu năm nhưng do ảnh hưởng sau đại dịch COVID-19 nên tình hình kinh tế của Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, 3 tháng đầu năm, số thu có dấu hiệu suy giảm, quý I năm 2023 chỉ thu đạt 52% so với cùng kỳ. Trước áp lực lớn, ngành đã triển khai nhiều cuộc họp để tìm giải pháp căn cơ nhất, thiết thực nhất, cụ thể nhất với từng địa bàn, từng khoản thu, từng sắc thuế”.
Cục Thuế Hà Tĩnh thành lập các tổ triển khai rà soát hộ kinh doanh để tăng cường quản lý nguồn thu
Theo đánh giá của Cục Thuế Hà Tĩnh, những tháng đầu năm, thu ngân sách ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực bị chậm, thậm chí sụt giảm như: nhiệt điện, bất động sản, ô tô, xăng dầu, thép, khoáng sản, xi măng... Ngành đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp trọng điểm, có số nộp ngân sách lớn trên địa bàn, đồng thời thực hiện rà soát từng trường hợp để đảm bảo khả năng thu theo dự báo của cả năm.
Không bỏ sót dư địa thu ngân sách, thời gian qua, Cục Thuế Hà Tĩnh đã thành lập các đoàn công tác về tận cơ sở để triển khai rà soát, phân loại hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là các hộ chưa được quản lý, theo dõi. Qua đó, Cục Thuế Hà Tĩnh đã xác định lại mức thuế khoán đối với các hộ kinh doanh; tăng tỷ lệ thu ngân sách đối với hộ kinh doanh lên 25% so với năm 2022.
Cùng đó, Cục Thuế Hà Tĩnh cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, coi đây là công cụ hiệu quả trong quản lý thuế. Trong đó, tập trung ở các ngành có dư địa thu lớn như: kinh doanh qua mạng, thương mại điện tử, các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chuyển nhượng vốn, doanh nghiệp kinh doanh lỗ nhiều năm có dấu hiệu chuyển giá…
Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Dương Hồng Lĩnh trao giải nhất “Hóa đơn may mắn” quý IV/2022 cho anh Đặng Công Quảng ở huyện Can Lộc.
Đồng hành, hỗ trợ cùng doanh nghiệp và người nộp thuế để “nuôi dưỡng” nguồn thu, Cục Thuế Hà Tĩnh còn tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; giúp người nộp thuế nắm bắt kịp thời các chính sách thuế mới để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đóng góp thu NSNN.
“4 tháng đầu năm, ngành thuế đã triển khai nhiều chương trình như: Hóa đơn may mắn; Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân… Các chương trình này đều giúp ngành thuế minh bạch, công khai trong quản lý thuế và chống thất thu thuế, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương” - ông Nguyễn Xuân Thường, Trưởng phòng Tuyên truyền - hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế Hà Tĩnh) cho biết.
Để tăng cường công tác thu ngân sách, mới đây, Cục Thuế Hà Tĩnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chỉ thị về tăng cường các biện pháp quản lý thu ngân sách nội địa năm 2023. Với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt cùng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tính đến ngày 13/5, Cục Thuế Hà Tĩnh đã thu ngân sách đạt 3.172 tỷ đồng (thu thuế, phí đạt 2.735 tỷ đồng, thu từ đất đạt 437 tỷ đồng), bằng 49% dự toán Bộ Tài chính giao và bằng 40% dự toán HĐND tỉnh giao.
Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là một trong những doanh nghiệp đóng nộp NSNN lớn cho Hà Tĩnh.
Để công tác thu ngân sách đạt hiệu quả cao nhất, thời gian tới, đề nghị các sở, ban ngành, địa phương cùng vào cuộc với ngành thuế trong triển khai nhiệm vụ. Đặc biệt, chính quyền địa phương các cấp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong quản lý và khai thác nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời các khoản thuế phát sinh vào NSNN; triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về thuế cho người nộp thuế; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về thuế, chống gian lận thương mại, chống thất thu NSNN; tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, tạo nguồn thu bền vững, lâu dài cho ngân sách.