Vụ xuân 2024, toàn tỉnh dự kiến gieo cấy 59.107 ha lúa và phấn đấu sản lượng đạt 34,2 vạn tấn, năng suất dự kiến đạt trên 57,92 tạ/ha. Với diện tích sản xuất này, các địa phương cần khoảng 3.600 tấn giống lúa các loại.
Vụ xuân năm 2024, Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh dự kiến cung ứng ra thị trường từ 500 - 600 tấn giống lúa các loại.
Dựa trên đề án sản xuất vụ lúa xuân 2024 của tỉnh, thời gian qua Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh đã và đang tập trung các phương án chủ động cung ứng bộ giống cho bà con nông dân trên địa bàn theo hợp đồng đã ký kết với các địa phương.
Bà Võ Thị Hồng Minh - Giám đốc công ty cho biết: “Vụ này, doanh nghiệp dự kiến cung ứng ra thị trường từ 500 - 600 tấn giống lúa chất lượng các loại. Đây là các giống theo bộ cơ cấu của tỉnh, gồm: giống lúa thuần (HT1, Nếp 98, Khang dân 18, Xuân Mai...), giống lúa lai (Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111, Lai thơm 6, Long Hương 8117...). Đến thời điểm này, doanh nghiệp đã cơ bản giao hàng theo kế hoạch hợp đồng đã ký kết với các địa phương. Hiện nay, doanh nghiệp tiếp tục phối hợp rà soát lại, tiến hành cung ứng giống đảm bảo lịch thời vụ, tránh trường hợp thiếu nguồn giống”.
Khởi động mùa vụ này, Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam cũng đã chủ động làm việc với các địa phương cung ứng trên địa bàn.
Ông Lê Duy Bình - Giám đốc Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam Chi nhánh miền Trung cho biết: “Từ tháng 12/2023, doanh nghiệp bắt đầu cung ứng các giống lúa phục vụ mùa vụ chính trong năm. Tại thị trường Hà Tĩnh, doanh nghiệp hiện đã cung ứng trên 40 tấn khang dân đột biến, hơn 30 tấn lúa RVT... So với năm ngoái, giá giống có tăng hơn so từ 1.000 - 2.000 đồng/kg tùy từng loại”.
Nông dân Hà Tĩnh chọn mua giống lúa chất lượng, đảm bảo vụ mùa thắng lợi.
Là địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn (hơn gần 6.400 ha), huyện Đức Thọ đã và đang tập trung chỉ đạo quyết liệt lịch thời vụ, cơ cấu và phương án chủ động giống trước khi bước vào vụ.
Ông Bùi Khắc Phong – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ cho biết: “Trên cơ sở đề án sản xuất của Sở NN&PTNT, căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch và đặc điểm địa hình, đất đai, khí hậu, trình độ thâm canh của các xã, thị trấn, huyện đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện đề án sản xuất vụ xuân 2024 sát với thực tế. Huyện chủ động định hướng các địa phương trong việc lựa chọn bộ giống thích hợp và đảm bảo khung lịch thời vụ; các xã, thị trấn liên hệ với đơn vị cung ứng cung cấp đầy đủ giống phục vụ sản xuất. Huyện phối hợp với Sở NN&PTNT, các đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra chất lượng nguồn giống phục vụ sản xuất, đảm bảo vụ mùa thắng lợi".
Ông Lê Tùng Dương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Từ đầu tháng 12/2023 lại nay, Sở NN&PTNT đã thành lập đoàn tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Theo đó, chủ động kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, bao bì, nhãn mác, hồ sơ chất lượng, danh mục sản phẩm các loại hàng hóa vật tư nông nghiệp kinh doanh; lấy mẫu các lô hàng để phân tích kiểm tra chất lượng; giám sát tình hình giá cả các loại giống cung ứng trên thị trường... Đoàn đã kiểm tra và lấy 25 mẫu giống lúa để phân tích các chỉ tiêu chất lượng, kết quả 25 giống đều đảm bảo phẩm cấp theo Quy chuẩn QCVN.
Sở NN&PTNT tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định hiện hành, đảm bảo hàng hoá phục vụ sản xuất, lưu thông trên thị trường đáp ứng chất lượng phục vụ sản xuất".
Theo ông Nguyễn Trí Hà – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh: "Chúng tôi đã chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước về sản xuất và kinh doanh giống cây trồng, đảm bảo cung ứng ra thị trường các bộ giống chất lượng. Để hạn chế rủi ro trong sản xuất, khuyến cáo các địa phương không cơ cấu một giống quá 30% diện tích gieo, cấy. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh là địa phương có điều kiện địa hình, sinh thái đặc thù với nhiều tiểu vùng sinh thái, lập địa, thổ nhưỡng khác nhau; thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường; các đối tượng sâu bệnh thường xuyên phát sinh gây hại nặng... Vì vậy, cơ cấu bộ giống cần phải đa dạng về chủng loại, thời gian sinh trưởng, khả năng thích ứng, tính chống chịu, đặc biệt là bệnh đạo ôn".
Sở NN&PTNT thành lập đoàn kiểm tra chất lượng hàng hóa vật tư nông nghiệp.
Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, căn cứ thời gian sinh trưởng của từng giống, các địa phương đốc thúc bà con nông dân bắc mạ trong khung thời vụ từ 5/1 - 8/2/2024. Với những vùng có tập quán gieo thẳng, lịch gieo theo thời vụ bắc mạ.
Các địa phương cũng cần lưu ý, trong cùng một nhóm giống phải xem xét thời gian sinh trưởng cụ thể của từng giống để bố trí gieo cấy hợp lý. Theo đó, giống có thời gian sinh trưởng dài hơn bố trí đầu khung thời vụ, giống có thời gian sinh trưởng ngắn hơn bố trí cuối khung thời vụ. Ngoài ra, căn cứ vào dự báo thời tiết ngắn hạn, các địa phương chỉ đạo thời điểm ngâm ủ giống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra...