Cải tạo mặt bằng đồng ruộng sau chuyển đổi ruộng đất lần 3 xã Hồng Lộc.
Sức xuân trên đồng ruộng Hồng Lộc
Phóng tầm mắt nhìn ô ruộng rộng gần 1 ha, chị Nguyễn Thị Hoàn (50 tuổi, thôn Thượng Phú) phấn khởi: “Trước đây, gia đình tôi làm gần 1 ha ruộng nhưng có đến 12 thửa, nằm rải rác khắp các xứ đồng của xã nên đi lại, chăm sóc, canh tác rất vất vả. Sau khi hoàn thành chuyển đổi ruộng đất lần 2 (năm 2009), dù đã giảm nhiều nhưng còn 5 thửa, nằm ở 4 vùng đồng nên vẫn chưa hết bất cập, hiệu quả sản xuất chưa cao. Từ vụ xuân này, gia đình tôi chỉ còn một thửa ruộng lớn rộng gần 1 ha ở vùng đồng Mã Bò cách nhà khoảng 500m. Mặt ruộng đã được máy móc san bằng, xung quanh có đường nội đồng to đẹp, mương dẫn nước về tận nơi... khiến chúng tôi rất vui sướng”.
Sau khi chỉ còn một thửa ruộng lớn, chị Nguyễn Thị Hoàn trao đổi phương án, ý tưởng sản xuất để nâng cao hiệu quả canh tác với lãnh đạo xã.
Ông Mai Đình Phong - Bí thư Đảng ủy xã Hồng Lộc khoe: “Chỉ mới cách đây 3 tháng thôi, vùng đồng Mã Bò rộng 10 ha này có đến 130 hộ sản xuất, bờ vùng, bờ thửa dày đặc và thường hay xảy ra tình trạng khi thì thiếu nước, lúc ngập úng cục bộ, khó đưa máy móc vào hỗ trợ, sản xuất không hiệu quả, một số diện tích bị bỏ hoang... Thế nhưng, giờ đây ai cũng vui vì cánh đồng bao la này chỉ giao cho 13 hộ, mặt ruộng được san bằng, mồ mả được di dời, mương thủy lợi được điều chỉnh, đường nội đồng mở rộng. Có thể nói, các điều kiện phục vụ sản xuất tập trung đều đã được tối ưu”.
Chuyển đổi ruộng đất lần 3 ở Hồng Lộc thành công lớn nhờ cấp ủy, chính quyền vào cuộc quyết liệt và lòng dân đồng thuận.
Để tạo luồng gió mới trong sản xuất, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Hồng Lộc đã quyết tâm thực hiện chuyển đổi ruộng đất một cách triệt để, toàn diện, quy mô gắn với cải tạo đồng ruộng, hướng tới mỗi gia đình chỉ còn canh tác trên một thửa ruộng tốt. Bên cạnh đó, Hồng Lộc cũng rất quyết tâm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tư duy sản xuất để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hiện đại, sản xuất hàng hóa với năng suất cao, hiệu quả kinh tế lớn...
Theo ông Lê Viết Bình - Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc, sau hơn 3 tháng triển khai, địa phương đã hoàn thành chuyển đổi 529 ha đất sản xuất ở 7/7 thôn, qua đó, tạo ra bước đột phá mạnh mẽ trên đồng ruộng, giờ mỗi hộ chỉ còn một thửa ruộng lớn liền bờ (trước đó là 4,6 thửa/hộ).
Những tuyến đường nội đồng được đắp mới để phục vụ sản xuất sau chuyển đổi ruộng đất ở Hồng Lộc
Ông Võ Tá Bình - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho biết, từ việc triển khai thí điểm ở Hồng Lộc, huyện đã thay đổi phương án ban đầu là không thực hiện theo kế hoạch mỗi xã chuyển đổi ở một thôn vì không triệt để. Thay vào đó, Lộc Hà sẽ rút kinh nghiệm từ xã điểm để chỉ đạo các địa phương khác xây dựng phương án chuyển đổi ruộng đất đồng bộ, quy mô toàn xã, trong đó, ưu tiên những xã trọng điểm về sản xuất, có nhiều thuận lợi làm trước.
Nông dân thôn Yến Giang (Hồng Lộc) hối hả ra đồng sản xuất vụ xuân 2023 trên những ô ruộng rộng mênh mông.
Đưa nông nghiệp phát triển bền vững
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ở Lộc Hà tiếp tục có nhiều chuyển biến rõ nét với tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành đạt gần 8%/năm, giá trị sản phẩm thu hoạch trên đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 91,4 triệu đồng/ha. Diện tích trồng trọt toàn huyện dao động từ 8.000-8.500 ha cho sản lượng lương thực đạt gần 30 nghìn tấn (giá trị sản xuất đạt 366 tỷ đồng). Chăn nuôi phát triển bền vững (giá trị đạt trên 323 tỷ đồng/năm). Nuôi trồng thủy sản đạt 454 ha, sản lượng 4.247 tấn (trị giá gần 258 tỷ đồng)...
Bí thư Huyện ủy Lộc Hà Nguyễn Thế Hoàn kiểm tra, động viên sản xuất tại các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao ở thị trấn Lộc Hà.
Lộc Hà xác định Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18/11/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về tập trung, tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 là “kim chỉ nam” trong xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển nông nghiệp.
Theo đó, huyện tính toán căn cơ, vào cuộc quyết liệt, kịp thời ban hành các văn bản, chỉ thị, chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Đặc biệt, ngày 21/9/2022, HĐND huyện đã thông qua Nghị quyết số 73/NQ-HĐND về đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2022-2025 và quy định tạm thời một số chính sách kèm theo.
Các chủ trương, quyết sách lớn về phát triển sản xuất đã giúp Lộc Hà ngày càng có nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hiệu quả cao. (Ảnh: Trang trại nuôi gà quy mô 40 nghìn con/lứa của HTX Tài Lực, xã Bình An).
Được biết, các chủ trương, kế hoạch của huyện Lộc Hà trong thời gian tới hướng mục tiêu đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM. Trong quá trình thực hiện sẽ ưu tiên nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Các địa phương cũng sẽ tập trung phát huy tối đa mọi nguồn lực, khai thác hợp lý lợi thế để phát triển các sản phẩm chủ lực.
Cùng đó, huyện chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện tích tụ ruộng đất, phấn đấu đến năm 2025 có 20% tổng diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, giá trị sản xuất toàn ngành đạt 1.688 tỷ đồng; bảo vệ bền vững môi trường, khuyến khích chế biến nông sản tinh sâu, tăng cường liên kết và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực này.
Đưa các nghị quyết của Đảng vào sản xuất đã giúp đồng ruộng Lộc Hà có những vụ mùa bội thu. (Ảnh ở xã Ích Hậu).
Ông Nguyễn Văn An - Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà phấn khởi nói: “Những chuyển biến trên đồng ruộng Lộc Hà đã và đang tạo ra những bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, giúp người nông dân tích cực thay đổi tư duy, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, góp phần đưa huyện nhà sớm đạt chuẩn NTM và phát triển bền vững”.