Thôn Lâm Thọ có đến hơn 60% giáo dân, địa bàn xa trung tâm, kinh tế chưa phát triển. Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, thôn ngổn ngang khó khăn vì hệ thống đường giao thông nhỏ hẹp, lầy lội; nhiều nhà dân ở xa, không có đường lớn để đi lại.
Ông Lê Ngọc Hải kiểm tra lại khối lượng công việc đã triển khai trong năm 2019
Thêm vào đó, một số thành phần lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để kích động đồng bào. Nhiều vụ việc phức tạp về ANTT đã nảy sinh, bà con cũng không yên tâm đóng góp, xây dựng nông thôn mới.
Trưởng thôn Lê Ngọc Hải cho biết: “Đầu năm 2018, khi được bầu làm trưởng thôn, tôi không dám nhận vì sợ mình không làm được. Nhưng, được chính quyền, anh em cựu chiến binh và bà con động viên nên tôi mạnh dạn nhận với suy nghĩ “làm một khóa không được thì thử làm nửa khóa”.
Nhận nhiệm vụ mới, ông Hải “một gánh hai vai” đảm nhận vai trò trưởng thôn và chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh. Ông đã bàn với các hội viên mạnh dạn đăng ký xây dựng mô hình “dân vận khéo” năm 2019.
Ông Hải chia sẻ những khó khăn buổi đầu xây dựng mô hình dân vận khéo vùng giáo.
Những ngày đầu xây dựng mô hình dân vận, ông Hải cùng các “cộng sự” vô cùng vất vả bởi bà con chưa đồng thuận với chủ trương hiến đất, xóa bỏ vườn tạp làm đường giao thông nông thôn. Chưa kể địa hình xa xôi, đường sá lầy lội, mỗi lần đi “làm dân vận” là một lần ông cùng đội ngũ cán bộ “trầy vi tróc vảy”.
Nhận thấy bản thân mình chưa làm mà đi vận động, tuyên truyền thì bà con khó “lọt tai”, ông Hải đã tiên phong hiến 150m2 đất của gia đình để mở đường cho thôn. Cùng với sự giúp đỡ của hội viên cựu chiến binh xã, gia đình ông Hải đã mạnh dạn phá bỏ vườn tạp, di dời chuồng bò, phát quang bụi rậm và cải tạo thành vườn cây ăn quả.
Muốn làm dân vận thì bản thân ông Hải cùng các hội viên cựu chiến binh phải làm gương cho bà con (Trong ảnh: Đoạn đường mà ông Hải - (bên phải) hiến đất để mở đường cho thôn)
Từ một hộ nghèo của thôn Lâm Thọ, gia đình ông Hải đã có trong tay vườn cam, bưởi hàng chục gốc, 200 con gà, trâu bò, hươu sao và ao cá cho thu nhập ổn định; nuôi 4 đứa con ăn học. “Hiến đất, cải tạo vườn là phù hợp chủ trương xây dựng nông thôn mới, vừa ích nước, vừa lợi nhà” – ông Hải vui vẻ cho biết.
Từ sự “nói đi đôi với làm” cùng với cách thức vận động linh hoạt, sự gần gũi, thân tình của ông trưởng thôn, bà con giáo dân đã tin tưởng vào chủ trương chung. Hơn 500m đường bê tông đã được bà con hiến đất, hiến ngày công, đóng góp tiền của hoàn thành trong năm 2018; hàng chục vườn tạp được phá bỏ, cải tạo; các công trình văn hóa được sửa sang, nhiều tuyến đường thôn được khai thông…
Không chỉ tiên phong hiến đất, ông Hải còn mạnh dạn làm kinh tế để thoát nghèo
Không chỉ vận động đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, ông Hải còn động viên bà con giáo dân treo ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc, đặc biệt là vào các dịp lễ tết. Ông chia sẻ: “Dù lương hay giáo, đã là người Việt Nam thì phải yêu nước, cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương. Bằng lòng “kính Chúa, yêu nước”, chúng tôi luôn cố gắng sống “tốt đời đẹp đạo”.
Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lâm Hoàng Duy Bằng cho biết: “Vừa là người theo đạo vừa là cán bộ thôn, ông Hải đã tranh thủ được sự đồng hành, ủng hộ của chính quyền, bà con lương - giáo đối với công việc chung.
Mô hình dân vận của thôn Lâm Thọ đã được huyện Hương Sơn vinh danh “Mô hình dân vận khéo” năm 2019. Thành tích đó có vai trò vô cùng lớn của ông Hải nói riêng, hội cựu chiến binh nói chung. Đó là cánh tay đắc lực, là cầu nối để chúng tôi xây dựng mối đoàn kết lương – giáo tại địa phương”.