Cựu chiến binh 103 tuổi kể chuyện Chiến dịch Điện Biên Phủ

(Baohatinh.vn) - Đã 70 năm trôi qua nhưng ông Nguyễn Chí Kiên (thị trấn Thạch Hà, Hà Tĩnh) vẫn bồi hồi mỗi khi nhắc lại những ngày cùng đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Nguyễn Chí Kiên sinh năm 1921 tại xã Mỹ Lộc (Can Lộc), là con út trong một gia đình nông dân có 8 người con. Lớn lên trong cảnh đất nước lầm than, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và cai trị của chính quyền bù nhìn, ông Kiên đã sớm giác ngộ cách mạng.

a2.jpg
Cựu chiến binh Nguyễn Chí Kiên.

Ngày 17/8/1945, khi đang làm Trung đội trưởng dân quân xã Mỹ Lộc, ông tham gia giành chính quyền ở địa phương, sau đó làm công tác đoàn thanh niên của xã. Cuối năm 1948, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ.

Ông Nguyễn Chí Kiên kể: “Hôm đó, sau khi vừa được kết nạp Đảng chừng 1 tháng, tôi đang đi chăn trâu ngoài đồng thì nghe tiếng tù và tuyển quân vang lên. Tôi liền gửi trâu cho bạn, trốn gia đình tham gia. Bất ngờ trúng tuyển, tôi vui mừng quá, chỉ kịp nhờ người quen báo lại cho gia đình rồi theo đơn vị lên đường”.

Sau khi nhập ngũ, ông Kiên được cử đi học tại Trường Quân sự Liên khu 4. Năm 1951, sau hơn 2 năm học tập, huấn luyện, ông được bổ sung vào Đại đội sơn pháo 755, Trung đoàn 675, Đại đoàn công pháo 351, tham gia các Chiến dịch Tây Bắc, Biên giới, Thượng Lào… đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ.

a3.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn công pháo 351 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: tư liệu.

Đêm 22/12/1953, sau khi Trung ương quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, các đơn vị pháo binh khẩn trương hành quân lên Điện Biên với tinh thần: "Tới đích đúng thời gian, bảo đảm an toàn người, xe, pháo và khí tài, bí mật tuyệt đối". Ông Nguyễn Chí Kiên đã cùng đơn vị vượt qua quãng đường trên 500 km, phần lớn là đường quân sự vừa được làm gấp với nhiều trọng điểm thường xuyên bị máy bay địch đánh phá như: Lũng Lô, Bản Chẹn, Cò Nòi… Dẫu đường hành quân nhiều khó khăn, hiểm trở, nhưng với quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ và sự hiệp đồng chặt chẽ của các lực lượng, sau 18 ngày đêm, Đại đoàn công pháo 351 của ông Kiên cùng các đơn vị pháo binh khác đã đến vị trí tập kết ở Tuần Giáo an toàn, bí mật, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ hành quân.

Ông Nguyễn Chí Kiên kể: “Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ mãi lần cùng các đồng chí của mình kéo pháo vượt đèo Lũng Lô ra trận. Đây là trọng điểm bắn phá của địch, vì thế, chúng tôi phải hành quân vào ban đêm để tránh bị phát hiện. Thời tiết Tây Bắc mùa đông cực kỳ giá rét, đường lên đèo Lũng Lô vừa nhỏ hẹp lại trơn trượt, đi người không đã cực kỳ khó khăn chứ chưa nói đến kéo, khiêng pháo qua dốc. Để hoàn thành nhiệm vụ, 12 người của Tiểu đội sơn pháo chúng tôi phải tháo rời các bộ phận của pháo rồi phân công từng nhóm khiêng, vác… Cứ thế, bằng ý chí quyết tâm, chúng tôi đã xuyên đêm “cõng” vũ khí qua Lũng Lô, từ đó đưa pháo vào trận địa Điện Biên Phủ đúng kế hoạch”.

Ngày 25/2/1954, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Đại đoàn 351 họp thông qua kế hoạch sử dụng pháo binh. Theo đó, lực lượng pháo binh tham gia đợt một gồm 234 khẩu pháo, cối các loại. Trung đoàn 675 sơn pháo của ông Nguyễn Chí Kiên gồm 2 đại đội cùng với 4 đại đội cối (82 ly và 120 ly), phối hợp với các đại đội pháo của các Đại đoàn 308 và 312, tổ chức thành các cụm pháo đại đoàn, bố trí ở hướng Đông và Đông Bắc Điện Biên Phủ, trực tiếp chi viện cho bộ binh tiến công đột phá khu trung tâm. Tại cuộc họp này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn: “Các đồng chí phải làm sao cho trận này quân địch phải khiếp sợ pháo binh như chúng đã từng khiếp sợ bộ binh Việt Nam”.

bk.1499_resize-1417x1028.jpg
Bộ đội ta kéo pháo vào trận địa trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Đúng 17 giờ 5 phút ngày 13/3/1954, được lệnh của chỉ huy chiến dịch, Trung đoàn 45 lựu pháo 105 ly (thuộc Đại đoàn công pháo 351) vinh dự bắn phát đạn đầu tiên mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ trong đợt bắn chuẩn bị mang tên "Sấm rền" nhằm vào Him Lam, phân khu trung tâm, sân bay Mường Thanh, trận địa pháo, kho tàng của địch... Sau đó, pháo binh ta chuyển sang bắn chế áp các trận địa pháo binh, súng cối địch và chi viện cho bộ binh ta xung phong. Dưới sự chi viện đắc lực, có hiệu quả, sau 5 ngày đêm, quân ta tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, bức hàng quân địch ở Bản Kéo, đập vỡ tuyến phòng thủ phía Bắc, đặt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong thế bị vây hãm cả bốn mặt. Trận mở đầu chiến dịch thắng lợi giòn giã, Đại đoàn công pháo 351 là đại đoàn đầu tiên được Bác Hồ trao cờ “Quyết chiến, quyết thắng”.

a1.jpg
Cựu chiến binh Nguyễn Chí Kiên cùng vợ và con cháu, chắt ôn lại ký ức những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau trận mở đầu chiến dịch, lúc này, ông Nguyễn Chí Kiên được cấp trên điều động chuyển sang bộ phận hậu cần. Đây cũng là thời gian ông gặp anh nuôi người dân tộc Nùng, sau này là Đại tá Anh hùng LLVT Nhân dân Phùng Văn Khẩu.

“Khi được giao nhiệm vụ phụ trách hậu cần cho đơn vị và lực lượng bộ đội chiến đấu nói chung, tôi là người kết nối trực tiếp với anh Phùng Văn Khẩu. Phùng Văn Khẩu là một thanh niên dân tộc Nùng trắng trẻo, nhanh nhẹn và rất đẹp trai. Là người thông thuộc địa bàn, lúc đó, anh thực hiện xuất sắc việc vận chuyển từng khẩu phần cơm nắm đến từng tiểu đội, chiến sĩ, luồn lách đi giữa trận địa như chốn không người. Một hôm, sau khi xong việc “anh nuôi”, Phùng Văn Khẩu bày tỏ muốn học cách sử dụng pháo, các đồng chí trong đại đội của tôi phụ trách các khâu hướng dẫn qua một lượt. Không ngờ, Phùng Văn Khẩu nắm bắt nhanh, thao tác lại không sai bước nào. Lắp đạn xong anh ngắm mục tiêu rồi bất ngờ khai hỏa, pháo bay trúng vào 2-3 lô cốt của địch khiến chúng nổ tung… Cả đại đội hết sức ngạc nhiên, chiến công đó được cấp trên thưởng đại đội 1 con bò để ăn mừng. Sau đó, Phùng Văn Khẩu chính thức được tuyển vào đơn vị pháo chúng tôi và sau này được giao nhiệm vụ chỉ huy Khẩu đội sơn pháo 75 ly, thuộc Đại đội sơn pháo 755” - ông Nguyễn Chí Kiên nhớ lại.

2582021huyen48.jpg
Đại tá Anh hùng LLVT Nhân dân Phùng Văn Khẩu và vợ thời trẻ - là đồng chí cùng đại đội chiến đấu với ông Nguyễn Chí Kiên. Ảnh tư liệu

17 giờ ngày 30/3/1954, Ban Chỉ huy chiến dịch quyết định nổ súng tấn công các mục tiêu của địch, mở đầu đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đêm 1/5/1954, quân ta bước vào đợt 3, tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ của pháo binh trong đợt này là chi viện cho bộ binh tiêu diệt các cứ điểm C1, C2, A1, A2, 505, 506 phía Đông và các cứ điểm 311A, 311B phía Tây sân bay Mường Thanh. Trong các ngày 6 và 7/5, pháo binh ta liên tục tập kích hỏa lực vào Sở Chỉ huy của Đờ Cát-xtơ-ri và các điểm cao, hỗ trợ bộ binh tiến công tiêu diệt những mục tiêu còn lại. Chiều 7/5/1954, Đờ Cát-xtơ-ri đầu hàng, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi.

Kể từ khi bắt đầu bước vào đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Chí Kiên không còn trực tiếp chiến đấu. Tuy nhiên, ông có công rất lớn đối với thành công chung của chiến dịch khi được điều động làm công tác hậu cần. Trong khoảng thời gian này, ông Kiên đã về các địa phương như: Phú Thọ, Tuyên Quang… để vận động, thu mua hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm tiếp tế đến chiến trường phục vụ hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu trên trận địa.

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1955-1956, ông Nguyễn Chí Kiên được cử đi làm nhiệm vụ cứu đói ở Thanh Hóa và Nghệ An. Đầu năm 1957, được cử đi học tại Trường Lục quân I ở Sơn Tây; tháng 3/1958, ông Kiên được điều chuyển về công tác tại Tỉnh đội Hà Tĩnh. Từ năm 1967-1971, ông được Tỉnh đội cử biệt phái sang làm nhiệm vụ bảo vệ Ty Bưu điện Hà Tĩnh, sau đó nghỉ hưu. Trở về địa phương, ông tích cực tham gia công tác xã hội trong một thời gian dài.

a5.jpg
Ông Nguyễn Chí Kiên (thứ 4 từ trái sang) tại cuộc gặp mặt CCB nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Hà Nội.

Trong quá trình tham gia chiến đấu và phục vụ trong quân đội của mình, ông Nguyễn Chí Kiên đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương, bằng khen về các thành tích cống hiến, tiêu biểu như: Huân chương Chiến thắng hạng Ba do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký năm 1958; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký năm 1963; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, cấp năm 1986… Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) ông Nguyễn Chí Kiên vinh dự là 1 trong 8 cựu chiến binh Điện Biên tiêu biểu của Hà Tĩnh tham dự cuộc gặp mặt tại Hà Nội.

Tạm biệt người chiến sĩ Điện Biên, đi về giữa những con đường rợp bóng cờ đỏ thắm trên những miền quê NTM của thị trấn Thạch Hà, lời căn dặn của cựu chiến binh Nguyễn Chí Kiên vẫn vang mãi trong tôi: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả của sự đấu tranh bền bỉ, kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ, mở ra ra trang sử mới cho dân tộc. Để có được điều đó, biết bao cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân ta đã hy sinh xương máu, của cải. Ngày nay, thế hệ trẻ các cháu được sống trong hòa bình, đất nước ngày càng phát triển, hãy luôn ghi nhớ và trân trọng lịch sử dân tộc, trong đó có Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Video: CCB Nguyễn Chí Kiên cùng chắt ngoại ôn lại lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chủ đề 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.