“Facebook và Google không có nhà báo nào và không hề sản xuất ra nội dung báo chí. Nhưng họ được trả tiền cho những quảng cáo gắn kèm với nội dung mà các nhà báo làm ra”, phóng viên chiến trường Sammy Ketz từng kết luận như vậy trong bài viết của ông vào năm 2018.
Nhà báo Sammy Ketz cho rằng những phóng viên chiến trường như ông đang ngày một ít vì nội dung họ sản xuất ra bị các nền tảng nội dung online như Facebook và Google “hút máu”.
Ông Sammy Ketz, phóng viên chiến trường của AFP, ngồi thụp trên mặt đất tránh những viên đạn của lính bắn tỉa tại thị trấn Maalula, Syria, ngày 18/9/2013. Ảnh: AFP
Thời điểm Sammy Ketz nói lên nỗi lòng của mình là lúc ngành tin tức bắt đầu nhận ra tác động tiêu cực to lớn mà các nền tảng xã hội gây ra. Cùng với đó, những dự luận buộc các nền tảng mạng xã hội chia sẻ doanh thu với bên sản xuất nội dung được thai nghén.
Facebook là chiếc phễu hút tiền quảng cáo
Quý 2/2020, Facebook công bố mức tăng trưởng 10% với doanh thu 18,3 tỷ USD chỉ trong 3 tháng, bất chấp bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19.
Với hơn 2,7 tỷ người dùng toàn cầu, Facebook là ứng dụng cung cấp một trong những đối tượng quảng cáo toàn diện và đa dạng nhất của thời đại kỹ thuật số. Hiện mạng xã hội này có 90 triệu trang kinh doanh, hơn 140 triệu doanh nghiệp dùng Facebook mỗi tháng. Từ năm 2016, tại Mỹ đã có tới 85% doanh nghiệp dùng Facebook làm nền tảng tiếp thị.
Quảng cáo chiếm 99,9% doanh thu Facebook, trong đó quảng cáo trên thiết bị di động chiếm 94%. Khu vực tập trung người dùng lớn nhất ở Châu Á, nơi có hơn 1 tỷ người dùng Facebook.
Có thể thấy, Facebook là chiếc phễu thu hút quảng cáo của thời đại kỹ thuật số trên toàn cầu.
Kiếm tiền từ ngành tin tức
Mô hình hoạt động của Facebook hiểu một cách đơn giản là kết nối mọi người, chia sẻ thông tin để đổi lấy những lượt tương tác. Từ những tương tác đó, Facebook lọc ra đối tượng quảng cáo theo sở thích của người dùng để bán lại cho các nhà quảng cáo. Người dùng càng dành nhiều thời gian cho Facebook sẽ xem nhiều quảng cáo hơn.
Như vậy, tin tức là một phần quan trọng giúp níu kéo người dùng sử dụng Facebook. Tại Mỹ, có hơn 52% người trưởng thành dùng Facebook như một nguồn tin tức, nhiều hơn bất kỳ trang web nào khác.
Nhiều người dùng xem Facebook là nguồn cung cấp thông tin chủ yếu
Trong khi đó, khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew lại cho thấy 62% người trưởng thành tin rằng mạng xã hội có quá nhiều quyền kiểm soát tin tức.
55% người khảo sát cho rằng việc kiểm soát này sẽ khiến tin tức ngày càng kém chất lượng, 53% tin rằng các thông tin nhận được là một chiều vì được phân phối theo sở thích người dùng và 51% nhận định tin giả là một vấn đề lớn mà mạng xã hội đang gặp phải.
Bản thân Facebook cũng tự nhìn nhận được tầm quan trọng của tin tức với sự sống còn của nền tảng. Tháng 10/2019, Facebook tung ra tab chức năng tin tức với mục đích được quản lý nội dung chất lượng cao từ các nguồn đáng tin cậy để chống lại tin giả.
Hiệu ứng cánh bướm bắt đầu từ Australia
Nhằm bảo vệ những nhà xuất bản nội dung, chính phủ Australia đề xuất dự luật yêu cầu các nền tảng như Google, Facebook đàm phán với các công ty truyền thông để trả tiền cho những tin tức và nội dung được chia sẻ trên nền tảng của họ.
Nếu dự luật này được thông qua, việc Facebook sử dụng các liên kết tin tức trên nền tảng để đổi lấy lượt truy cập khi chưa được đồng ý của bên xuất bản một cơ quan phán quyết độc lập sẽ đứng ra giải quyết tranh chấp.
Dù thu hàng tỷ USD từ việc phân phối quảng cáo bên cạnh nội dung tin tức, Facebook vẫn không trả tiền
Dự luật này đẩy Facebook vào thế khó. Nếu Australia thông qua dự luật, các quốc gia khác cũng sẽ làm theo.
Đáp lại, ngày 18/2, Facebook tuyên bố cắt đứt việc hiển thị tin tức từ Australia. Sự kiện này ngay lập tức gây chấn động ngành công nghiệp tin tức toàn cầu, vốn đang chịu không ít sự ảnh hưởng từ những gã công nghệ khổng lồ.
Tuy nhiên, sau gần một tuần căng thẳng, mạng xã hội lớn nhất thế giới quyết định rút lại động thái và tiến tới thỏa thuận “đình chiến” với chính phủ Australia.
Bên cạnh đó, ngày 24/2, Facebook đưa ra thông báo cam kết đầu tư ít nhất 1 tỷ USD vào ngành công nghiệp tin tức trong vòng 3 năm tới.
Ngoài ra, Facebook cho biết công ty truyền thông xã hội đang đàm phán tích cực với các nhà xuất bản tin tức tại Đức và Pháp để đưa ra những thỏa thuận có lợi cho đôi bên cũng như người dùng.
Bình luận về việc Facebook, Google chấp nhận trả tiền, New York Times cho rằng “một quốc gia nhỏ cũng có thể buộc tên tuổi công nghệ lớn phải quy thuận, điều mà Mỹ không làm được”.
Sau cùng, những tập đoàn này vẫn cần người dùng để phát triển. Và chính phủ các nước hoàn toàn có thể cắt đứt nguồn lợi đó CNN
Trong những năm gần đây, Facebook và Google từng ra mắt những chương trình hoạt động theo mô hình trả tiền. Các hãng thông tấn phải trả phí để được chia sẻ thông tin đã qua chọn lọc trên Facebook News. Từ năm ngoái, Google đã công bố kế hoạch cấp phép tin tức với News Showcase. Trên nền tảng mới, hãng tin có thể tự sắp xếp và quyết định cách trình bày tin tức của mình.
Tuy vậy, số tiền họ trả cho các bên xuất bản tin tức được đánh giá là quá thấp.
Hôm 1/3, Facebook cho biết công ty sẽ ra mắt dịch vụ tin tức Facebook News tại thị trường Đức vào tháng 5. Dịch vụ dành riêng cho báo chí này được Facebook cung cấp lần đầu tại Mỹ, sau đó mở rộng sang Anh hồi tháng 1.
Tuy nhiên, theo CNN , Axel Springer, hãng tin tức hàng đầu châu Âu đã từ chối hợp tác với Facebook vì không thể chấp nhận mức chi trả cho tin tức từ mạng xã hội này.
Các quốc gia khác bắt đầu hành động
Tại Mỹ, Liên minh Truyền thông Tin tức Mỹ với gần 2.000 tổ chức thành viên cũng vận động xúc tiến “Đạo luật Bảo tồn và Cạnh tranh Báo chí” tương tự Australia, cho phép các nhà xuất bản có thể “thương lượng với những nền tảng trực tuyến về các điều khoản phân phối nội dung”.
Tại Canada, tháng 2, Bộ trưởng Di sản Canada Steven Guilbeault dự kiến ban hành luật mới buộc các gã khổng lồ công nghệ trả tiền cho nội dung tin tức xuất hiện trên nền tảng. Quyết định này là kết quả từ một chiến dịch do 105 tờ báo địa phương phát động, yêu cầu chính quyền đưa ra cải cách khẩn cấp để hỗ trợ ngành báo chí.
“Tin tức chưa bao giờ là miễn phí. Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng, các nhà xuất bản phải được hỗ trợ chi phí thỏa đáng cho công việc của họ. Chúng tôi sẽ hỗ trợ khi họ đưa thông tin vì lợi ích nền dân chủ, sức khỏe và hạnh phúc của cộng đồng chúng tôi”, ông Steven Guilbeault nhấn mạnh.
Sau khi dọa rút khỏi Australia vì dự luật buộc Facebook chia doanh thu với báo chí, Mark Zuckerberg đã chặn chia sẻ thông tin tại quốc gia này.
Tại châu Âu, cơ quan quản lý đã đề xuất đạo luật Dịch vụ và Thị trường Kỹ thuật số EU. Phát biểu với Financial Times , Nghị viên châu Âu, Alex Saliba cho biết cách tiếp cận của chính phủ Australia đã giải quyết được “sự mất cân bằng nghiêm trọng về khả năng thương lượng” giữa các nền tảng công nghệ và những hãng tin.
Tại Anh, Tháng 12/2020, Lực lượng Đặc nhiệm Thị trường Kỹ thuật số nước này cho biết Facebook và Google có thể sớm bị buộc phải trả tiền cho các hãng tin để hiển thị nội dung của họ.
Cơ quan này được phép phạt những gã khổng lồ công nghệ đến 10% tổng doanh thu toàn cầu nếu vi phạm luật. Cùng thời gian đó, Ủy ban Truyền thông và kỹ thuật số của Hạ viện Anh khuyến nghị các nhà lập pháp đưa ra luật tương tự như Australia.
Tại Pháp, Cơ quan Cạnh tranh nước này đã nỗ lực kêu gọi các nền tảng công nghệ trả tiền cho tin tức suốt nhiều năm qua. Pháp trở thành quốc gia đầu tiên trong số các quốc gia EU áp dụng chỉ thị bản quyền của châu Âu vào năm 2019, yêu cầu Google và Facebook trả tiền cho các hãng tin.
Tại Tây Ban Nha, thuế Google được ban hành từ năm 2014, buộc gã khổng lồ công nghệ phải trả tiền cho những đoạn tin tức đăng trên nền tảng Google News.
Ở Đức, năm 2019, bốn hãng tin của Đức, bao gồm cả chủ sở hữu Insider Axel Springer hợp lực đòi các hãng quảng cáo Big Tech chia sẻ lợi nhuận cho tin tức truyền thống.
Chiêu dọa rút nền tảng của Facebook đã lỗi thời
Theo CNN , hơn bất kỳ doanh nghiệp nào khác ở Thung lũng Silicon, Facebook có lẽ là tập đoàn đang bị nhiều quốc gia nhắm đến.
Tuy nhiên, ông lớn này luôn có một đối sách dành cho các trường hợp bị chèn ép là đe dọa rút sản phẩm của mình khỏi thị trường khi đối mặt với các quy định bất lợi.
Cách làm trên đang được các ông lớn công nghệ áp dụng nhiều hơn. Vào năm 2014, Google đã đóng cửa dịch vụ Google News ở Tây Ban Nha hay Đức sau khi quốc gia này thông qua một luật thuế tương tự Australia hiện tại.
Ngay sau đó, Facebook đã xuống nước, tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào ngành tin tức. Ảnh: The Verge
Google cũng đe dọa rút công cụ tìm kiếm của hãng khỏi Austrlia nếu họ ban hành luật truyền thông mới. Tuy nhiên sau đó, ông lớn này đã chịu nhượng bộ.
Hiện nay, các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, đã “mạnh tay” hơn trong việc kiểm soát các gã khổng lồ công nghệ. Sau cùng, những tập đoàn này vẫn cần người dùng để phát triển. Và chính phủ các nước hoàn toàn có thể cắt đứt nguồn lợi đó.
Các nhà phê bình cho rằng Google và Facebook chỉ đơn giản đang cố gắng duy trì vị thế “cửa trên” của mình đối với giới truyền thông.
“Việc hiện thực hóa bộ luật sẽ tước đi nhiều quyền lực của nền tảng công nghệ. Cán cân quyền lực sẽ được chuyển qua bên thứ 3 (pháp luật) và họ không hề lường trước điều đó”, Peter Lewis, Giám đốc Trung tâm Trách nhiệm Công nghệ tại Viện Australia, một nhóm nghiên cứu độc lập, cho biết.
Hút hàng tỷ USD tiền quảng cáo tại Việt Nam
Riêng tại Việt Nam, theo We Are Social , năm 2020, Việt Nam có hơn 69 triệu người dùng Facebook, chiếm 70,1% toàn bộ dân số. Trong khi đó, theo Statista , Việt Nam hiện đứng thứ 7 thế giới về số lượng người dùng Facebook.
Bao trùm lên tất cả các lĩnh vực trên là số tiền “khổng lồ” thu được từ quảng cáo. Theo một thống kê sơ bộ, riêng số tiền quảng cáo mà hai công ty Facebook và YouTube năm 2017 thu được là 320 triệu USD.
Theo số liệu ước tính từ Công ty nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018, mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam khoảng đạt 550 triệu USD.
Tại Việt Nam, Facebook chiếm hơn một nửa thị phần ngành quảng cáo kỹ thuật số nhưng không có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Trong ảnh là một công ty “nhái” Facebook tại TP.HCM
Trong đó, Facebook và Google chiếm 66,7% tương đương 387,1 triệu USD, các doanh nghiệp quảng cáo trong nước chia nhau 33,3% còn lại.
Cũng theo ước tính của ANTS, năm 2019 và 2020, doanh thu quảng cáo của Facebook và Google tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh. Cụ thể, ANTS ước tính năm 2019, doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam ước khoảng 648 triệu USD, trong đó Facebook chiếm 275 triệu USD, Google 174,9 triệu USD, các đơn vị trong nước chiếm chỉ 180,9 triệu USD.
Trong khi đó, tại phiên chất vấn tháng 11/2019, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết doanh thu từ quảng cáo của Facebook tại Việt Nam năm 2018 khoảng 1 tỷ USD và hiện chưa đóng thuế.
“Nếu truy thu thì số thuế thu được có thể lên tới hàng trăm triệu USD. Việc đánh thuế nhà thầu đối với Facebook, Google là một việc cần làm”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo về việc sử dụng biện pháp kinh tế để ngăn chặn dòng tiền quảng cáo sai sự thật. Bộ TT&TT đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để có phương án kiểm soát các giao dịch thanh toán xuyên biên giới.