Ông Dương Kim Huy – Bí thư, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn (Thạch Hà): “Cán bộ phải tâm huyết, lăn xả với phong trào, làm gương để nhân dân học và làm theo”
Được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2015 nhưng cán bộ, nhân dân xã Tượng Sơn không thỏa mãn, dừng lại với những kết quả đạt được mà tiếp tục đoàn kết, chung sức, xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2019.
Để có những kết quả đó, tôi xin nêu ra một số bài học kinh nghiệm, đó là: Đối với cán bộ phải tâm huyết, năng động, sáng tạo, lăn xả vì phong trào; phải đoàn kết thống nhất trong cán bộ đảng viên và nhân dân; cán bộ phải làm gương để nhân dân học và làm theo.
Xã Tượng Sơn đã đón hàng trăm đoàn khách đến tham quan học tập về xây dựng KDC kiểu mẫu, vườn mẫu
Mọi việc làm đều phải có khung kế hoạch và đầu việc cụ thể để được bàn bạc một cách dân chủ, công khai, minh bạch, phân việc cụ thể, không mang tính chung chung mà phải rõ ràng từng đầu việc, thậm chí cam kết trách nhiệm cá nhân, phải được dân biết, dân bàn, dân thực hiện.
Nông thôn mới phải biết dựa vào dân, huy động sức dân, dân là chủ thể, dân phải thực hiện đây chính là một bước chuyển giao làm cho ý thức mỗi người dân tự chủ trong chương trình xây dựng NTM, giúp dân chứ không có khái niệm làm thay cho dân từ đó NTM, mới bền vững lâu dài.
Ông Đào Hồng Minh - Trưởng thôn Văn Khang, xã Đức Tùng (Đức Thọ): “Cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu phải hài hòa giữa cải tạo với bảo tồn, phát triển cây xanh.”
Nhìn lại kết quả 10 năm xây dựng NTM, đến nay thôn Văn Khang, xã Đức Tùng chúng tôi đã thay đổi toàn diện. Đặc biệt, trong xây dựng tiêu chí 20 – KDC mẫu, vườn mẫu, thôn Văn Khang đã rất thành công nhờ sự sự năng động sáng tạo của đội ngũ cán bộ các cấp, sự đồng thuận của bà con nhân dân, sự chung tay đóng góp của con em xa quê và vai trò của cấp ủy và ban phát triển thôn là hết sức quan trọng.
Về cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu cần phải hiểu đúng, không cứng nhắc, không máy móc. Khi cải tạo vườn tạp phải giải quyết cho được bài toán hài hòa giữa cải tạo với bảo tồn, phát triển cây xanh. Đối với vùng lũ lụt tre và cây xanh ở ngoài bìa làng phải được giữ lại để tạo thành một vành đai chắn sóng bảo vệ xóm làng khi có bảo lũ.
Đối với vùng lũ lụt như ở Đức Tùng, tre và cây xanh ở ngoài bìa làng phải được giữ lại để tạo thành một vành đai chắn sóng bảo vệ xóm làng khi có bảo lũ.
Về xây dựng vườn mẫu phải xây dựng thực chất, người làm vườn phải sống được từ kinh tế vườn và tiến tới làm giàu từ vườn, không chạy đua về số lượng hoặc xây dựng vườn mẫu để ngắm hoặc để báo cáo.
Sản phẩm của vườn mẫu phải là sản phẩm sạch, tốt, chất lượng để đưa ra thị trường phục vụ đời sống con người. Trong vườn mẫu nên có câu khẩu hiệu: “Sản phẩm vườn mẫu phải là sản phẩm sạch, an toàn và chất lượng”, để nhắc nhở người làm vườn thường xuyên.
Bà Lê Thị Khương - Giám đốc Hợp tác xã Phú Khương, xã Kỳ Xuân (Kỳ Anh): “Chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu trong xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.”
Qua tham gia Chương trình OCOP, chất lượng sản phẩm nước mắm Phú Khương được nâng lên, đã giúp HTX phát triển thuận lợi, có hiệu quả, mở rộng thị trường, sản phẩm được nhân dân tin dùng nên doanh thu của HTX tăng lên nhanh; năm 2018, doanh thu đạt trên 8,5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 2 tỷ (gấp hơn 3 lần trước đây), giải quyết việc làm cho 14 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ có thu nhập trên 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
HTX Phú Khương ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nước mắm để tạo sản phẩm đồng nhất, chất lượng đảm bảo mà giá thành lại giảm so với làm thủ công.
Để sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng sản phẩm trước hết phải là chất lượng. Bởi vậy, chúng tôi luôn lấy chất lượng sản phẩm đặt lên hàng đầu và xem chất lượng gắn liền với sự tồn tại của HTX và sản phẩm, chất lượng mất thì sản phẩm mất, chất lượng còn thì sản phẩm còn.
Bên cạnh đó, bao bì sản phẩm phải được thiết kế đúng thương hiệu để người dân dễ nhận diện sản phẩm; thông tin sản phẩm phải được cung cấp đầy đủ, chính xác thông quá mã số, mã vạch. Ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất để tạo sản phẩm đồng nhất, chất lượng đảm bảo mà giá thành lại giảm so với làm thủ công.
Ông Nguyễn Như Dũng – Bí thư huyện ủy Can Lộc, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Can Lộc: “Nâng cao vai trò người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo”
Kết quả xây dựng NTM của Can Lộc thời gian qua đã tạo nên một Can Lộc khởi sắc, nhiều nội dung đi vào chiều sâu, đời sống người dân nâng lên rõ rệt, sự đoàn kết, gắn kết tăng lên, cán bộ ngày càng trưởng thành hơn, gần dân hơn, được người dân tin yêu, đồng thuận.
Để đạt được kết quả đó - đây là kết quả chủ yếu là của chính người dân nhưng nguyên nhân của nguyên nhân đạt được chính là xuất phát từ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt, hiệu quả.
Thực hiện đúng theo quan điểm chỉ đạo, phương pháp, cách làm có tính sáng tạo của tỉnh (bền vững, không chạy theo thành tích, nâng yêu cầu của nhiều tiêu chí để đáp ứng không chỉ yêu cầu hiện tại mà cả yêu cầu tương lai; kiên trì lãnh đạo chỉ đạo phát triển sản xuất ứng dụng Khoa học công nghệ, liên kết, tập trung cao xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cùng lãnh đạo huyện Can Lộc kiểm tra tiến độ xây dựng NTM tại xã Xuân Lộc
Qua triển khai thực hiện xây dựng NTM là cơ sở hết sức quan trọng để đánh giá năng lực, tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, nhất là người đứng đầu ở cơ sở (từ cán bộ chỉ đạo của huyện, các phòng ban chuyên môn và đội ngũ cán bộ cấp xã, thôn xóm).
Do đó những nơi nào phong trào yếu, người dân không vào cuộc thì sau khi đã kiểm điểm, nhắc nhở phê bình nếu không chuyển biến thì cần kiển quyết thay thế cán bộ, nhất là người đứng đầu (thực tiễn qua một số địa phương thì sau khi thay thế phong trào chuyển biến rõ nét). Đối với cán bộ cấp huyện, việc chỉ đạo này là cơ sở quan trọng gắn với tiêu chí đánh giá xếp loại hàng năm của mỗi thành viên vào nhiệm vụ chung.