Video: Hoạt động mua bán và công tác phòng, chống dịch tại bến cá Thạch Kim
Địa điểm trung chuyển, tiêu thụ lượng hải sản lớn nhất tỉnh
Bến cá Thạch Kim rộng hơn 2.500 m2 nằm ở thôn Long Hải, thuộc Cụm công nghiệp (CCN) Thạch Kim, huyện Lộc Hà. Đây là địa điểm trung chuyển, bảo quản, tiêu thụ lượng hải sản lớn nhất tỉnh. Bến cá hoạt động từ 2h đến 7h sáng, chỉ giao dịch các mặt hàng về hải sản, không buôn bán các loại khác.
Dù gần 2h sáng mới mở cửa, nhưng từ 20h đêm hôm trước đã có xe đông lạnh ra vào tấp nập để nhập kho, hoặc chuẩn bị sẵn hàng để kịp giao cho các tiểu thương. Bình quân mỗi đêm, có hàng trăm phương tiện với gần 1.000 người tham gia buôn bán, trao đổi hàng hóa, đông nhất là lúc gần sáng.
Từ 2h sáng, bến cá Thạch Kim đã khá tấp nập và tất cả đều được kiểm tra, kiểm soát, nhất là xe đông lạnh ngoại tỉnh.
Anh Trần Khắc Tiến - cán bộ Ban Quản lý CCN Thạch Kim cho biết: “Theo ước tính, bình quân mỗi ngày ở khu vực này có khoảng 40 - 50 xe, đủ loại từ container đến xe tải, trong đó khoảng 1/2 là xe ngoại tỉnh (chủ yếu Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị, Huế, Quảng Ninh và Hải Phòng).
Lượng hải sản được mua bán mỗi ngày khoảng 300 - 500 tấn (riêng xe lớn ngoại tỉnh bình quân mua, bán khoảng 15 tấn/xe). Ngoài xe ô tô đông lạnh còn có hàng trăm xe máy, xe đạp của các tiểu thương đến mua hàng để đi tiêu thụ khắp các chợ ở Hà Tĩnh”.
Các xe đông lạnh ngoại tỉnh cung cấp hàng để tiểu thương mua đi bán ở các khu chợ trong toàn tỉnh...
Ông Trần Thái - một chủ cơ sở kinh doanh đông lạnh lâu năm ở CCN Thạch Kim cho biết: “Hàng hóa được đưa đến đây bảo quản, tiêu thụ chủ yếu là các loại cá, tôm, mực, cua, ghẹ… Trong đó, có hải sản được ngư dân bản địa đánh bắt mang về hoặc được các thương lái chở từ nơi khác đến.
Theo quy luật, cứ lúc nào các tỉnh Nam Trung Bộ thời tiết thuận lợi, được mùa biển thì mang hải sản ra đây bán ngay cho tiểu thương Hà Tĩnh hoặc cấp đông bán dần cho các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng… và ngược lại”.
... hoặc mang đi các tỉnh, thành khác tiêu thụ.
Cũng theo ông Thái, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, bến cá luôn đông người, xe ngoại tỉnh ra vào liên tục nên ban đầu bà con khá bất an. Nhưng khi thấy các cấp, ngành, Ban Quản lý CCN Thạch Kim vào cuộc quyết liệt nên cũng yên tâm hơn.
Triển khai nghiêm ngặt công tác phòng dịch
Ngoài 11 chốt bao quanh địa bàn huyện giúp kiểm soát phương tiện ra - vào vòng ngoài, nhất là xe ngoại tỉnh thì cách đây 2 tháng, Ban Quản lý CCN Thạch Kim cũng đã triển khai thêm 1 chốt kiểm soát dịch bệnh tại cổng ra vào cụm. Tất cả 14 cán bộ, nhân viên trong đơn vị thay nhau trực 24/24h, mỗi ngày 2 ca, mỗi ca 2 - 3 người. Mọi vấn đề về phòng, chống dịch bệnh đều được triển khai thực hiện nghiêm túc.
Quang cảnh buôn bán hải sản ở một góc bến cá Thạch Kim khá nhộn nhịp nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch.
Theo anh Trần Khắc Tiến - cán bộ Ban Quản lý CCN Thạch Kim: “Tất cả người, phương tiện của các tiểu thương bản địa ra vào cổng bến cá, CCN đều được yêu cầu chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Đối với xe đông lạnh nội tỉnh thì phải có kết quả test nhanh, xe đông lạnh ngoại tỉnh phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR còn hiệu lực và đều phải khai báo lịch trình, thông tin y tế đầy đủ. Nếu không đầy đủ, không an toàn thì không được vào bến, còn bất hợp tác thì chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng khác xử lý ngay”.
"Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên vào khu vực bến cá để kiểm tra, nhắc nhở bà con đeo khẩu trang đầy đủ, giữ khoảng cách và bố trí khung thời gian đi mua bán hợp lý, tránh tụ tập đông người lúc cao điểm” - anh Trần Khắc Tiến cho biết thêm.
Anh Trần Khắc Tiến - cán bộ Ban Quản lý CNN Thạch Kim yêu cầu các tài xế xe ngoại tỉnh khai báo thông tin y tế, xuất trình các loại giấy tờ liên quan đến xét nghiệm, kiểm tra thân nhiệt trước khi vào bến cá.
Anh Trương Văn Thống - thương lái ở Hoàng Mai (Nghệ An) cho hay: “Xe của tôi ra vào đây thường xuyên, mỗi lần mua hơn chục tấn hải sản các loại để ra bán ở Thanh Hóa. Đến bến cá, tôi luôn chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng dịch cũng như yêu cầu các bạn hàng tuân thủ khi giao, nhận hàng.
Đặc biệt, dù buôn bán khó khăn nhưng với phương châm an toàn cho bản thân, gia đình, cộng đồng là trên hết nên tôi và phụ xe vẫn sẵn sàng bỏ 750 ngàn đồng/người/lần xét nghiệm RT-PCR”.
Khi giấy xét nghiệm hết hiệu lực, chị Nguyễn Thị Song ở xã Xuân Yên, Nghi Xuân (chủ xe tải 38C-12385) phải thực hiện test nhanh để vào bến cá.
Chị Trần Thu Hà ở thôn Long Hải (Thạch Kim) cho biết: “Lúc đầu, cũng có nhiều người chưa hiểu nên phản đối các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt tại đây. Nhưng giờ đã khác, bà con đều đã hiểu và ai cũng lo lắng về dịch bệnh, sức khỏe nên nghiêm túc chấp hành các quy định, cũng như hướng dẫn của cán bộ trực chốt.
Bình thường thì khoảng 5h sáng tôi mới ra đây lấy hàng đi bán ở chợ Nghèn (Can Lộc), nhưng để hạn chế người trong khung giờ cao điểm, nên 4h sáng tôi đã mua xong hàng”.
Cán bộ trực gác phun khử khuẩn, khử trùng nơi các tài xế, tiểu thương vào khai báo y tế.
Theo ông Phùng Văn Hòa - chủ bến cá: "Nhận thức rõ nguy cơ mất an toàn tại bến cá nên ngoài treo biển, bố trí bảo vệ canh cổng, hợp tác với các lực lượng chức năng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 thì chúng tôi còn thường trực tiếp ra bến, hoặc theo dõi camera liên tục để kịp thời nhắc nhở mọi người nêu cao ý thức phòng dịch. Chúng tôi cũng đã bố trí khẩu trang dự phòng, nước khử khuẩn... để ai cần thì sử dụng.
Ngoài ra, tôi cũng đã yêu cầu 10 chủ nậu bán hải sản trong bến (mỗi nậu có 4 - 5 công nhân và là đầu mối của 3 - 5 xe đông lạnh) phải nhắc nhở đối tác, khách hàng khi đến bến cá giao dịch đều phải chấp hành nghiêm túc các quy định, yêu cầu của các lực lượng chức năng để tránh trường hợp xấu xảy ra".