Xã Cổ Đạm là địa phương trồng đào phai nhiều nhất của huyện Nghi Xuân với hơn 100 hộ dân trồng từ 30 - 1.200 cây, tập trung chủ yếu ở thôn Xuân Sơn.
Cứ vào độ cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch, bà con trồng đào xã Cổ Đạm tập trung ra vườn chăm sóc, tuốt lá, tỉa cành khô, cành vụn để đào bung nụ đúng vào dịp tết âm lịch.
Vườn đào 2-3 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Công Minh ở thôn Xuân Sơn được xem là đẹp nhất xã. Những cây đào đều tăm tắp, dáng rất đẹp, các cành đang bắt đầu bật nụ.
Ông Minh cho biết: "Gia đình tôi hiện có 500 gốc đào, trong đó 250 gốc sẽ cho thu hoạch vào dịp tết năm nay. Công việc tuốt lá cũng đòi hỏi tỉ mỉ, kỳ công; phải làm từng cây đào, từng nhánh một”.
“Hiện tại đã có nhiều khách hàng đến xem và “đặt cọc”, tôi phải buộc dây làm dấu. Nếu đào nở đúng dịp, giá bán có thể dao động từ 1-1,5 triệu đồng/gốc. Tết này gia đình tôi có thể thu nhập khoảng hơn 200 triệu đồng từ việc bán đào cảnh” - ông Minh nhẩm tính.
Những ngày này, thời tiết khô ráo, bà Phan Thị Lài, cùng ở thôn Xuân Sơn tranh thủ ra vườn tỉa lá, chăm sóc và hy vọng 800 gốc đào của gia đình “bung lụa” đúng dịp, bán được giá để có cái tết đủ đầy hơn.
“Nghề trồng đào không nhọc nhằn, vất vả nhưng để thành công, ngoài phụ thuộc vào yếu tố thời tiết thì mỗi người làm vườn cần phải tích lũy kinh nghiệm, kiến thức mới có những cành đào chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng” - bà Lài cho hay.
Được biết, một lứa đào ở Cổ Đạm mất khoảng 2-3 năm mới có thể thu hoạch. Để trồng được một cây đào phai đẹp, trước hết phải chọn giống đào tốt, cắt ghép mắt, tạo dáng, kết hợp với quá trình chăm sóc, bón phân và tỉa tuốt lá vào những thời điểm thích hợp…
Ông Trần Văn Sơn - Trưởng thôn Xuân Sơn cho biết: Thời tiết năm nay khá thuận lợi, đào phai ở đây sinh trưởng phát triển tốt, hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Đào phai ở xã Cổ Đạm có màu hồng nhạt mang vẻ đẹp thuần khiết, nụ hoa to, cánh đẹp và lâu tàn. Do đó, đào nơi đây luôn được du khách ưa thích mỗi dịp tết đến, xuân về.
Theo ông Lê Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm, hàng chục năm nay, nhờ cây đào phai, nhiều hộ dân đã có cuộc sống khấm khá hơn, thậm chí nhiều nhà giàu lên. Để nâng cao chất lượng cây đào, chính quyền địa phương đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc đào cho các hộ dân. Ngoài ra, xã phát động cuộc thi “Vườn đào và cây đào đẹp - Xuân Quý Mão năm 2023”. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, từng bước xây dựng hình ảnh hoa đào trở thành thương hiệu của xã Cổ Đạm.