Quyết sách đúng
Với địa thế thuận lợi - lưng tựa vào núi, mặt hướng ra biển Đông; độ sâu tự nhiên của cảng biển vào loại tốt nhất Việt Nam, gần các tuyến hàng hải quốc tế; giao thông đường bộ thuận lợi, kết nối được với mọi miền Tổ quốc; quỹ đất rộng phù hợp cho xây dựng phát triển công nghiệp và đô thị; địa hình đa dạng, có điều kiện phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch biển…, nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh đã trăn trở, nỗ lực tìm cơ hội khai thác những giá trị quý báu của vùng đất Đông Nam Kỳ Anh làm “bàn đạp” cho Hà Tĩnh phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt khảo sát địa điểm dự định xây dựng Cảng Vũng Áng 1 vào tháng 11/1996 (ảnh tư liệu)
Từ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 1996 - 2000, vấn đề phải làm gì để khai phá tiềm năng vùng đất này được Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm. Giai đoạn này, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát.
Ngày 30/8/1997, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 713/1997/QĐ-TTg về bổ sung danh mục khu công nghiệp ưu tiên đầu tư cho 17 địa điểm trên cả nước, trong đó có Vũng Áng. Ngày 23/10/1997, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 904/1997/QĐ-TTg phê duyệt định hướng quy hoạch chung Khu công nghiệp - cảng biển Vũng Áng.
Từ đây, Vũng Áng được xây dựng là một trong những khu công nghiệp tập trung của vùng Bắc Trung Bộ; cảng biển Vũng Áng - Sơn Dương là đầu mối giao thông liên vùng và quốc tế, trung tâm thương mại, dịch vụ của khu vực Bắc Trung Bộ…
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đặng Duy Báu trao đổi với phóng viên về những chủ trương sớm của Hà Tĩnh trong phát triển KKT Vũng Áng
“Đầu năm 1998, Hà Tĩnh đã khởi công xây dựng Cảng biển Vũng Áng 1 với tổng vốn đầu tư 140 tỷ đồng trên cơ sở kết nối, huy động nguồn vốn. Năm 2000, cảng Vũng Áng được khánh thành, đón tàu nhiều vạn tấn cập bến... Đây là viên đá đặt nền móng cho việc khai thác vùng đất “ngủ yên” bấy lâu để từng bước hình thành vùng kinh tế trọng điểm” - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Đặng Duy Báu nhớ lại.
Sau thời gian hình thành và phát triển, đến năm 2006, KKT Vũng Áng chính thức được “gọi tên” khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg ngày 3/4/2006 với mục tiêu đầu tư xây dựng, phát triển Vũng Áng thành KKT đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là phát triển các ngành công nghiệp luyện kim, phát triển đồng bộ khu liên hợp cảng Vũng Áng - Sơn Dương, xây dựng khu đô thị mới Vũng Áng…
Một góc KKT Vũng Áng hôm nay.
Không ngừng trăn trở, tìm tòi để phát huy giá trị của KKT Vũng Áng, liên tiếp các kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh gần 15 năm qua đều đề cập và dành sự đầu tư lớn cho phát triển KKT Vũng Áng. Đặc biệt, việc “đa dạng hóa huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng Vũng Áng sớm trở thành KKT động lực tầm cỡ quốc gia, quốc tế; phát triển nhanh các ngành công nghiệp nặng, cơ khí, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và công nghiệp hỗ trợ” được xem là 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá của Hà Tĩnh trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Với sự đầu tư chiến lược, hiện nay, cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương đang ngày càng phát huy sự ưu việt trên bản đồ hàng hải quốc tế.
Theo đó, tính đến thời điểm hiện nay, tổng vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng KKT Vũng Áng đạt hơn 10.245 tỷ đồng, được phân kỳ đầu tư từ hạ tầng giao thông trục chính đến tái định cư, hỗ trợ nhà ở xã hội và các hạng mục cần thiết khác.
Động lực tăng trưởng
Trong vòng quay đầy sôi động, đến nay, KKT Vũng Áng đã thu hút 137 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 80 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 51.690 tỷ đồng và 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 13,569 tỷ USD. Bên cạnh lĩnh vực gang thép, nhiệt điện, thời gian gần đây, một số nhà đầu tư lớn trên thế giới đã và đang khảo sát, tìm hiểu để đầu tư các lĩnh vực liên quan cảng biển và logistics…
KCN Phú Vinh với kết cấu hạ tầng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Số liệu thống kê những năm gần đây cho thấy, hoạt động của KKT Vũng Áng với những dự án chiến lược đã đóng góp tích cực vào phát triển công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh.
Sau sự cố môi trường biển (năm 2016) khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức âm (-15,31%) nhưng với các giải pháp điều hành hiệu quả, năm 2017, tỉnh đã phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng với con số 10,71%. Điều đáng nói, hoạt động ở KKT Vũng Áng, mà trọng tâm là dự án Formosa Hà Tĩnh đã đóng góp 7,15 điểm % vào mức tăng chung của tỉnh. Năm 2018, Hà Tĩnh gây ấn tượng mạnh khi tốc độ tăng trưởng đạt 20,8% - cao nhất cả nước. Trong đó, khu vực công nghiệp tiếp tục đóng góp đến 16,63 điểm % trong tăng trưởng chung…
KKT Vũng Áng với hệ thống cầu cảng hiện đại
Đặc biệt, nếu như trước đây, thu ngân sách Hà Tĩnh chỉ dừng lại ở mức vài nghìn tỷ đồng/năm thì giai đoạn gần đây đã ghi tên mình vào top địa phương có số thu hơn chục nghìn tỷ. Các doanh nghiệp trong KKT Vũng Áng trở thành nguồn đóng góp chủ đạo vào ngân sách. Trung bình mỗi năm, KKT Vũng Áng đóng góp xấp xỉ 60% tổng thu toàn tỉnh.
KKT Vũng Áng hiện có gần 19 nghìn lao động, trong đó có hơn 17 nghìn lao động trong nước. Hoạt động sản xuất tại đây tạo chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ lệ tham gia vào lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ, hình thành lớp lao động có trình độ chuyên môn, tính kỷ luật trong môi trường công nghiệp.
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 là một trong những đơn vị tốp đầu đóng nộp ngân sách
Ở giai đoạn phát triển mới, KKT Vũng Áng tiếp tục được “chọn mặt gửi vàng” trong chiến lược phát triển của Hà Tĩnh. “Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được hoàn thiện. Hà Tĩnh kiên định xây dựng một nền tảng chính làm động lực tăng trưởng đó là KKT Vũng Áng trên cơ sở tăng trưởng xanh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng - Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh cho biết.
14 năm KKT Vũng Áng chính thức được đặt tên, dù quãng thời gian chưa phải là dài nhưng đủ để khẳng định về một chủ trương đúng mang tầm nhìn chiến lược trong việc đưa Hà Tĩnh vào nhóm tỉnh khá của khu vực.