Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Đặng Quốc Vinh, Dương Tất Thắng và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan cùng dự.
Theo các quy hoạch của Bộ GTVT, hệ thống quốc lộ và đường cao tốc qua địa bàn Hà Tĩnh gồm 10 tuyến, với chiều dài 797,07 km; hệ thống đường tỉnh có 9 tuyến, với chiều dài 382,48 km; đường huyện được quy hoạch 101 tuyến, với tổng chiều dài 988,41 km và một số tuyến quan trọng như: Hàm Nghi kéo dài đến Quốc lộ 8C, tuyến Thạch Long - Đò Diệm - ĐT 549.
Giám đốc Sở GTVT Lương Phan Kỳ trình bày báo cáo tại cuộc họp
Trong giai đoạn 2020-2025, căn cứ vào hiện trạng và sự cần thiết, Sở GTVT đề xuất nhu cầu nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí khoảng 24.777 tỷ đồng.
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Tú Anh: Cần quan tâm đến giao thông kết nối đô thị và khu du lịch…
Trong đó, nhu cầu vốn để nâng cấp, mở rộng mới 15 dự án là 23.940 tỷ đồng (gồm 8 dự án quốc lộ do Bộ GTVT quyết định đầu tư, 7 dự án đường địa phương do UBND tỉnh quyết định đầu tư); hoàn thành 5 dự án trọng điểm đang triển khai là 837 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng: Hà Tĩnh cần quan tâm, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông để kết nối ngoại vùng, phát triển không gian kết nối đô thị; có giải pháp tích cực hơn để thực hiện các dự án do Bộ GTVT quyết định đầu tư; nên xem xét đầu tư tuyến Quốc lộ 12C để phát triển Khu kinh tế Vũng Áng…
Ngoài ra, Sở GTVT cũng dự kiến đề xuất nhu cầu đầu tư hệ thống đường huyện để đạt chuẩn nông thôn mới, với tổng nguồn vốn khoảng 2.143 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, các ý kiến cho rằng thời gian qua kết cấu hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông của Hà Tĩnh được chú trọng thực hiện. Do vậy, đến nay, giao thông Hà Tĩnh nằm trong nhóm khá của cả nước. Trên cơ sở đề xuất của Sở GTVT, các ý kiến đánh giá cao sự cần thiết đầu tư các hệ thống giao thông để tạo động lực phát triển cho tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng: Quan tâm đến các tuyến đường phát triển du lịch, phát triển đô thị; phân kỳ đầu tư, xác định lộ giới rộng...
Đồng thời, các đại biểu tham gia góp ý một số nội dung như: Xem xét bổ sung một số tuyến phục vụ sản xuất ở các huyện miền núi; quan tâm đến kết nối đô thị và phát triển du lịch; phân kỳ đầu tư, xác định lộ giới rộng; đầu tư các tuyến đường sinh lợi, tạo động lực phát triển.
Đặc biệt, cần quan tâm, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông để kết nối ngoại vùng, phát triển không gian kết nối đô thị…
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn: Tiếp tục phát triển giao thông, xây dựng các tuyến trọng yếu và dồn sức để hình thành các trục phát triển lâu dài
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cho rằng, tỉnh đã quan tâm phát triển hệ thống giao thông, coi đây là nhiệm vụ đột phá và đã đạt một số kết quả nhất định, song, so với các tỉnh phía Bắc, giao thông của Hà Tĩnh vẫn còn những hạn chế.
“Giao thông là lĩnh vực có vai trò quan trọng, vị trí chiến lược trong phát triển KT-XH của tỉnh. Do vậy, quan điểm là phải tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến trọng yếu và dồn sức để hình thành các trục phát triển lâu dài” - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Trên quan điểm đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị phải xác định mốc chỉ giới ở mức cao nhất có thể; phân kỳ đầu tư, thứ tự ưu tiên thực hiện; nghiên cứu mở rộng không gian đô thị TP Hà Tĩnh với các tuyến quan trọng; chú trọng phát triển trục đường ngang, ưu tiên hướng ra biển…
Giao Sở GTVT hoàn chỉnh báo cáo để thực hiện các bước tiếp theo theo quy định.