Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu chủ trì buổi làm việc.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 16 đô thị, gồm 1 đô thị loại 2 (thành phố Hà Tĩnh), 2 đô thị loại IV (thị xã Kỳ Anh, Hồng Lĩnh) và 13 đô thị loại V.
Nhờ việc tích cực thu hút đầu tư, huy động nguồn vốn xã hội hoá và đẩy nhanh công tác quy hoạch, diện mạo hệ thống đường giao thông các đô thị đã thay đổi, có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đó, cơ bản đáp ứng quy mô ngày càng phát triển của các đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh Nguyễn Việt Hùng báo cáo về quá trình quản lý đường đô thị trên địa bàn tỉnh
Về công tác thiết kế, xây dựng, năm 2018, Sở Xây dựng đã thẩm định 36 dự án liên quan về đường trong đô thị. Các dự án đều được thiết kế đảm bảo theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về đường đô thị như: QCVN 07/2016/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; Đường đô thị - Yêu cầu thiết kế TCXDVN 104-2007; cơ bản phù hợp với các đồ án quy hoạch xây dựng được duyệt.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh Lê Quang Đức: Việc huy động nguồn lực xã hội hóa đã góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đường giao thông đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, phù hợp với quy hoạch trên địa bàn TP Hà Tĩnh.
Cùng với đó, Sở Xây dựng đã thực hiện đã thẩm định 36 dự án liên quan đến việc xây dựng đường trong đô thị và đã được UBND tỉnh, UBND cấp huyện phê duyệt với tổng mức đầu tư 604,82 tỷ đồng.
Sở đã chủ động, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các công trình đang xây dựng, đặc biệt là các công trình nằm trên các tuyến đường đô thị, qua đó phát hiện và xử lý 26 trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm về trật tự xây dựng đô thị.
Phó trưởng phòng Kết cấu hạ tầng Sở GTVT Trần Thế Hùng: Các văn bản hướng dẫn về công tác quản lý, xây dựng và bảo trì công trình xây dựng nói chung và công trình đô thị nói riêng còn thiếu hoặc ban hành thay thế chậm gây khó khăn cho công tác quản lý.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nêu rõ một số hạn chế về công tác quản lý đường đô thị thời gian qua như: Công tác lập, thẩm định và phê duyệt chương trình phát triển đô thị chưa được UBND cấp huyện quan tâm triển khai thực hiện; hạ tầng về giao thông vẫn còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo các tiêu chí về phân loại đô thị; việc xây dựng các dự án giao thông đô thị chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; nhiều tuyến đường vẫn còn hiện tượng ngập úng, lấn chiếm, buôn bán trên vỉa hè ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị...
Nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu xuất phát từ việc thu hút đầu tư, huy động nguồn lực để xây dựng và phát triển đô thị còn hạn chế; chính quyền các địa phương chưa chú trọng trong việc xây dựng, phát triển đô thị; hầu hết ngân sách địa phương chủ yếu thu từ bán đất, tuy nhiên do thị trường bất động sản còn khó khăn nên nguồn vốn để đầu tư, phát triển, mở rộng đường đô thị hạn chế...
Tại buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu đề nghị các địa phương phối hợp nhiều biện pháp, đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đường đô thị trên địa bàn; có chiến lược dài hơi và định hướng rõ ràng trong quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết làm nền tảng cho quy hoạch đường đô thị, đặc biệt là tại TP Hà Tĩnh; kêu gọi nguồn xã hội hóa trong chỉnh trang đô thị, xây dựng hạ tầng giao thông nhằm đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương...