Sáng 16/7, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Tham dự có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang, Lê Thành Long; lãnh đạo bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà, lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, kết luận của Trung ương đã khẳng định lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội phục vụ cho phát triển. Cùng với đó, đầu tư công có ý nghĩa quan trọng đối với triển khai đột phá chiến lược về hạ tầng, nhất là mục tiêu đến năm 2025 có 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc. Đầu tư tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới và kích hoạt các hoạt động kinh tế - xã hội khác.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó, đã thành lập 5 tổ công tác của Thủ tướng và 26 tổ công tác của thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm tốt, những địa phương, cơ quan, lĩnh vực đạt kết quả tích cực, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 so với yêu cầu đặt ra và số vốn được giao vẫn thấp.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội quyết nghị phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là hơn 669.264 tỷ đồng. Đến ngày 10/7/2024, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án đạt 95,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Về thực hiện và giải ngân, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2024 đạt 196.669 tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 30,49%). Trong số đó, có 11/44 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước.
Tại hội nghị, các đại biểu đã báo cáo kết quả giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương, đơn vị; tập trung làm rõ những khó khăn, điểm nghẽn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân trong 6 tháng đầu năm. Qua đó, kiến nghị nhiều giải pháp để tổ chức thực hiện, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những đơn vị, địa phương đạt kết quả cao trong giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm và nghiêm túc phê bình các đơn vị có tỷ lệ giao vốn và giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; yêu cầu các bộ, cơ quan và địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp để đẩy mạnh giải ngân trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm với "5 quyết tâm" và "5 bảo đảm". Theo đó, 5 quyết tâm là: quyết tâm giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đẩy lùi tiêu cực; quyết tâm làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn khi phát sinh trên thực tế; quyết tâm đổi mới phương pháp, cách làm, ứng dụng giải pháp công nghệ mới, hiện đại, tăng cường chuyển đổi số; quyết tâm bám sát thực tiễn, tháo gỡ thể chế, vướng mắc, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.
5 đảm bảo là: đủ nguyên vật liệu phục vụ các dự án; nhân lực đủ năng lực, đủ tâm, đủ tầm cho công tác giải ngân vốn đầu tư công; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân tổ chức tái định cư, tạo sinh kế cho người dân; quản lý đúng quy định, không kéo dài, đội vốn, gây thất thoát vốn; bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường dự án theo mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Về giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết Chính phủ, chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Tiếp tục duy trì hoạt động của các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò người đứng đầu trong tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án. Đề cao tính kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra giám sát; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn...
Rà soát khâu chuẩn bị dự án, giao vốn đầu tư, thiết kế… để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; thực hiện tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư đúng quy định; lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng xây dựng; giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực thực thi; tổ chức hướng dẫn, triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2025, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 theo đúng thời gian quy định…
Đến ngày 30/6/2024, tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh đạt hơn 2.378,5 tỷ đồng, bằng 43,5% kế hoạch Thủ tướng giao và HĐND tỉnh giao, bằng 43,2% kế hoạch vốn đã phân bổ, cao hơn tỷ lệ giải ngân chung cả nước (cả nước đạt 29,39% kế hoạch vốn giao), cao hơn cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước đạt 33,6% kế hoạch vốn giao).
Trong đó: vốn bộ, ngành quản lý giải ngân đạt gần 331,7 tỷ đồng, bằng 39% kế hoạch vốn Thủ tướng giao và bằng 37,8% kế hoạch vốn đã phân bổ; vốn địa phương quản lý giải ngân đạt hơn 2.046,8 tỷ đồng, bằng 44,3% kế hoạch Thủ tướng và HĐND tỉnh giao, bằng 44,2% kế hoạch vốn đã phân bổ.