Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Hà Tĩnh (SRDP) do Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) và Quỹ Ủy thác Vương quốc Tây Ban Nha tài trợ, được triển khai trong vòng 5 năm (2014-2018), trên phạm vi 50 xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Phan Thành Biển - Phó giám đốc Sở KH&ĐT, Giám đốc Ban điều phối Dự án SRDP – IWMC Hà Tĩnh báo cáo tiến độ dự án
Tổng nguồn vốn thực hiện dự án là 22.917.000 USD. Dự án nhằm cải thiện thu nhập bền vững và giảm tổn thương cho hộ nghèo ở vùng nông thôn tại các xã vùng cao Hà Tĩnh. Sau nửa đầu chu kỳ triển khai, dự án đã đạt được những tiến bộ đáng kể và về cơ bản đang đi đúng lộ trình. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ giải ngân của dự án đạt 44,5%. Các chỉ số về kết quả và đầu ra quan trọng của dự án cho thấy quá trình thực hiện đạt yêu cầu.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Dương Thị Hằng: Hội LHPN tỉnh là đơn vị đối tác phối hợp với dự án SRDP, đồng thời là đơn vị được UBND tỉnh giao quản lý, điều phối hợp phần “dịch vụ tài chính nông thôn”. Đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 98 nhóm tín dụng tiết kiệm với 926 thành viên, trong đó 835 thành viên được vay vốn với tổng dư nợ 11,966 tỷ đồng, lũy kế vốn tiếp nhận từ dự án SRDP đến nay là 18,084 tỷ đồng.
Dự án Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Hà Tĩnh (IWMC) do Chính phủ Vương Quốc Bỉ - Ủy quyền qua Cơ quan Phát triển Bỉ (BTC) tài trợ với tổng nguồn vốn đầu tư 8.800.000 EUR. Thời gian triển khai dự án trong vòng 6 năm (2013-2019), tập trung vào TP. Hà Tĩnh, TX. Hồng Lĩnh và vùng phụ cận. Dự án với mục tiêu hỗ trợ phát triển thể chế tỉnh Hà Tĩnh về quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị liên quan đến BĐKH. Tính đến 31/12/2016, dự án đã giải ngân đạt tỷ lệ 11,64%.
Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Dũng: Dự án SRDP phối hợp với Sở NN&PTNT và Sở Công thương xây dựng 3 VCAP (kế hoạch hành động chuỗi giá trị) cấp tỉnh và 118 VCAP cấp xã để làm cơ sở đầu tư. Thời gian tới, đề nghị Dự án chú ý hơn nữa đến việc xây dựng kế hoạch hành động chuỗi giá trị, nhất là xây dựng thương hiệu và đầu ra cho sản phẩm.
Mặc dù mức giải ngân chưa cao, nhưng các nghiên cứu đã được thực hiện đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi và cơ sở vững chắc cho triển khai các hoạt động sau này. Các kết quả nghiên cứu đã được sử dụng một cách hữu hiệu; đồng thời giúp UBND tỉnh, UBND TP. Hà Tĩnh, TX. Hồng Lĩnh và các sở, ban, ngành có một cách nhìn tổng thể hơn về chiến lược ứng phó với BĐKH, tầm nhìn về quy hoạch đô thị sát với thực tiễn hơn.
Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Trần Việt Hà: Thạch Hà có 6 xã được hưởng lợi từ Dự án SRDP, qua ra soát cho thấy hiệu quả mang lại cao. Mô hình CSA (đầu tư nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu), người dân đóng góp 50% là hơi cao, đề nghị dự án xem xét và có sự đề xuất để đối ứng hợp lý hơn.
Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu cho rằng, tiến độ giải ngân 2 dự án hiện vẫn còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Ban Điều phối Dự án cần làm rõ thêm về nhiệm vụ năm 2017, đánh giá rõ hơn về hiệu quả của các hợp phần mà dự án SRDP đang triển khai, đặc biệt là đánh giá chất lượng các công trình, mô hình đầu tư thí điểm do cấp xã làm chủ đầu tư. Riêng đối với Dự án IWMC, các kết quả nghiên cứu cần đảm bảo tính khoa học để làm cơ sở xây dựng các kế hoạch, chiến lược ứng phó với BĐKH...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và cách làm sáng tạo của Ban Điều phối Dự án SRDP – IWMC. Từ những mô hình mà dự án triển khai đã hỗ trợ rất nhiều, thay đổi bộ mặt cơ sở hạ tầng của địa phương, giúp Hà Tĩnh phát triển nông thôn bền vững và quản lý nguồn nước trong mối liên hệ với BĐKH.
Thời gian tới, Ban Điều phối Dự án cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, triển khai hiệu quả hơn các hợp phần hiện có, đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ và sự phát triển của tỉnh nhà.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị Ban Điều phối Dự án bổ sung hoàn thiện báo cáo gửi lại để Ban Kinh tế - Ngân sách tổng hợp, báo cáo trình HĐND tỉnh trong kỳ họp tới.