P.V: Ông có thể cho biết những kết quả cụ thể trong công tác giảm nghèo bền vững của Hà Tĩnh thời gian qua?
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Thông
Ông Nguyễn Xuân Thông: Công tác giảm nghèo bền vững đã được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ các dịch vụ xã hội cơ bản và huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu đã đưa tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh giảm mạnh.
Bên cạnh đó, ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội phát động phong trào “Cả tỉnh chung tay vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau”, huy động nguồn lực để hỗ trợ làm nhà ở, hỗ trợ thu nhập, cơ sở vật chất, trang thiết bị giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Với các giải pháp đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo cả tỉnh giảm từ 11,4%, hộ cận nghèo giảm từ 8,4% (đầu năm 2016) lần lượt xuống còn 4,53% và 5,06% cuối năm 2019.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách và các đối tượng bảo trợ xã hội ở xã Thạch Lạc - Thạch Hà (Ảnh tư liệu).
Một bộ phận hộ nghèo tổ chức sản xuất có hiệu quả và vươn lên thoát nghèo; nhiều mô hình giảm nghèo được triển khai, nhân rộng. Hà Tĩnh không còn huyện nghèo; không còn xã đặc biệt khó khăn khu vực miền núi (chỉ còn 6 xã miền núi biên giới hưởng chính sách theo chương trình 135) và 13/29 xã đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo còn nhiều khó khăn, nhất là khi có thiên tai, bão lụt xảy ra. Cơ chế phối hợp, chỉ đạo, điều hành ở các cấp còn hạn chế; chưa khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, sự tham gia chủ động, tích cực, sáng tạo của người dân, của cộng đồng cùng nhau vươn lên thoát nghèo.
Xã hội hóa các nguồn lực xây nhà tình nghĩa góp phần tạo động lực cho người nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, một bộ phận hộ nghèo và cận nghèo còn có tâm lý ỷ lại, lười lao động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không tự lực vươn lên thoát nghèo.
P.V: Xin ông cho biết những giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Thông: Để đạt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo của Hà Tĩnh giảm xuống dưới 3% (thấp hơn hoặc bằng mặt bằng chung của cả nước); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm xuống dưới 4%, tỉnh chỉ đạo tập trung triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp về tuyên truyền; cơ chế, chính sách; huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện.
Nhân dân tổ dân phố Tuần Cầu (phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh) chung tay xây dựng nhà nhân ái cho gia đình ông Kiều Huyến.
Trước mắt, tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh về giảm nghèo bền vững; tập trung một số nhóm giải pháp: Hỗ trợ tăng thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hộ nghèo thiếu hụt đa chiều được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; giải pháp đặc thù hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn Hà Tĩnh…
Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí của hộ nghèo để họ chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Nguồn vốn Ngân hàng CSXH đồng hành cùng nhiều hộ dân thoát nghèo. Ảnh: PV
Thực hiện kịp thời, đầy đủ các nội dung đề án xã hội hóa hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và Nghị quyết hỗ trợ một phần từ ngân sách để hỗ trợ đối tượng hộ nghèo thiếu hụt về thu nhập, đối tượng hộ nghèo thuộc nhóm chính sách bảo trợ xã hội giai đoạn 2020-2025.
Cụ thể, đối với các hộ có người khuyết tật, già yếu, bệnh tật, thiếu lao động, không có khả năng thoát nghèo, cần vận động xã hội hóa hỗ trợ và thực hiện chính sách xã hội để bảo đảm an sinh xã hội. Đối với những hộ có nhân lực, có lao động nhưng thiếu tư liệu sản xuất, thiếu việc làm, cần tập trung cho vay vốn, hỗ trợ tư liệu sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm để thoát nghèo bền vững.
P.V: Xin cảm ơn ông!