Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Võ Trọng Hải, Giám đốc Công an tỉnh Lê Văn Sao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng lãnh đạo các sở, ngành cùng dự làm việc.
Thực hiện chương trình xây dựng NTM năm 2018, huyện Hương Khê xác định các mục tiêu, nhiệm vụ: duy trì mức độ đạt chuẩn các xã giai đoạn 2014-2017; phấn đấu thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Phú Gia, Hương Trạch, Hương Long), 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (Hương Trà); không còn xã dưới 12 tiêu chí; nhóm xã đã đạt chuẩn xây dựng thêm 1 khu dân cư mẫu…
Bí thư huyện ủy Hương Khê Đinh Hữu Tân: Trong quá trình xây dựng Đề án cấp huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập thảo luận, góp ý 4 lần trước khi trình Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện
Để hoàn thành các mục tiêu trên, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban chỉ đạo NTM huyện đã tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng lộ trình thực hiện, phân công nhiệm vụ để tập trung triển khai thực hiện. Huyện cũng tập trung rà soát, xác định cụ thể các nội dung, khối lượng công việc cần phải thực hiện để đạt chuẩn tiêu chí. Hàng tuần, hàng tháng tổ chức họp soát xét, đánh giá, bổ cứu kịp thời; chủ động khâu nối với sở, ngành để xứ lý những khó khăn, vướng mắc.
Cùng với đó, huyện tập trung rà soát lại việc sáp nhập các thôn, để tập trung chỉ đạo duy trì và xây dựng đạt chuẩn các tiêu chí, như: Văn hoá, cơ sở vật chất văn hoá đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng khu dân cư mẫu, vườn mẫu, nhân rộng các mô hình điển hình …
Phó Chánh Văn phòng NTM tỉnh Ngô Đình Long: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuy đã được địa phương quan tâm song tính quyết liệt chưa cao, chưa rõ nét, phong trào xây dựng NTM còn “trầm” hơn so với các địa phương khác.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII, Hương Khê chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng đề án đơn vị mình. Theo đó, đến năm 2021, sẽ giảm 1 xã (sáp nhập xã Phương Điền và xã Phương Mỹ), toàn huyện còn 20 xã, 1 thị trấn; giảm 71 thôn, tổ dân phố, toàn huyện còn 167 thôn, tổ dân phố.
Đối với cấp huyện sẽ tiến hành sáp nhập các đơn vị, phòng ban có chức năng nhiệm vụ tương đồng, tinh giảm đầu mối, nhất thể hóa chức danh.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Phi Quang: Trong sáp nhập thôn xóm cần đảm bảo hiệu quả điều hành công việc, phù hợp với điều kiện miền núi.
Về biên chế, cấp huyện giảm 93 biên chế cán bộ, công chức (đạt 14,5%); cấp xã giảm 74/487 (tỉ lệ 15,2%); giảm 316/2072 viên chức, (đạt tỉ lệ 15,25%); giảm 133/339 người hoạt động không chuyên trách xã, (tỉ lệ 39,2%) và 1282/2618 cán bộ thôn, tổ dân phố (tỉ lệ 49%).
Việc sáp nhập phòng chuyên môn thuộc UBND huyện chưa có định hướng cụ thể, nên việc giải thể phòng Y tế, chuyển chức năng về Văn phòng HĐND & UBND còn có ý kiến băn khoăn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Hương Khê cần tập trung bàn sâu, tìm giải pháp cụ thể cho việc phát triển sản xuất, gắn với xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm chủ lực.
Trong quá trình thực hiện sáp nhập, tinh giảm bộ máy, Hương Khê vẫn đang còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: việc xây dựng chế độ chính sách đối với giáo viên dôi dư do sáp nhập trường; cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cán bộ chuyên trách, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sáp nhập xã và tinh giản tổ chức, bộ máy.
Lãnh đạo huyện Hương Khê đề nghị tỉnh, trung ương sớm có các văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể để địa phương triển khai thực hiện Nghị quết Trung ương 6 thuận lợi hơn.
Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Võ Trọng Hải: Hương Khê là địa bàn miền núi khó khăn, cần có sự chia sẻ, hỗ trợ của các cấp, ngành trong xây dựng NTM
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn chia sẻ những khó khăn với cán bộ, nhân dân Hương Khê là huyện miền núi, địa bàn rộng, thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ lụt.
Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, Hương Khê cần giữ vững ổn định an ninh trật tự để phát triển kinh tế. Hưng Khê cần phát huy lợi thế kinh tế vườn đồi, rừng để xây dựng vờn mẫu, KDC mẫu.
Về thực hiện sáp nhập đơn vị, thôn xóm, tinh giảm bộ máy, Hương Khê cần làm từng bước, lấy ổn định làm đầu, đảm bảo phù hợp thực tiễn và phát triển bền vững. Đối với đề án chung của huyện cần có lộ trình thực hiện đảm bảo hiệu quả.
Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ NTM tỉnh Lê Đình Sơn cùng đoàn công tác đã đến thăm quan mô hình mô hình trồng cây ăn quả và kiểm tra một số nhà văn hóa tại xã Gia Phố.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ NTM tỉnh Lê Đình Sơn cùng đoàn công tác thăm mô hình trồng bưởi cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm của gia đình ông Bùi Quang Giao, thôn Phổ Thượng
và nhà văn hóa thôn Phổ Thượng
Sau 4 năm xây dựng đạt chuẩn NTM (năm 2014), Gia Phố tiếp tục củng cố, nâng cấp, duy trì các tiêu chí đạt chuẩn. Tuy nhiên, so với bộ tiêu chí theo QĐ 05 của tỉnh, Gia Phố còn 3 tiêu chí chưa đạt (cơ sở vật chất văn hóa, môi trường, KDC mẫu).
Nói chuyện với lãnh đạo xã Gia Phố, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn lưu ý chính quyền địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, nâng cấp các tiêu chí NTM, đặc biệt cần quan tâm nâng cấp cảnh quan môi trường, xây dựng mô hình sản xuất... Trong việc tổ chức thực hiện sáp nhập thôn xóm, tinh giảm bộ máy, Gia Phố cần thực hiện phù hợp điều kiện địa hình, kinh tế, làm thế nào để giảm người nhưng tăng được phụ cấp.