Di tích đền Voi Mẹp còn có tên gọi là đền Cả, đền Thánh Mẫu, trước thuộc địa phận xã Cổ Ngu, tổng Văn Lâm, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, nay là thôn Hòa Bình, xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ.
Theo truyền thuyết, vào thế kỷ thứ XV, khi giặc Minh sang đánh nước ta, theo cờ khởi nghĩa của Trần Trùng Quang, Nhân dân ta ở khắp nơi đã đứng lên chống giặc, trong đó có nữ tướng mà tục truyền là “nữ tướng châu chấu”. Sau khi bà mất, để tưởng nhớ công ơn của bà, Nhân dân địa phương đã lập nên đền Voi Mẹp để ghi nhận công đức.
Đền Voi Mẹp có diện tích rộng hơn 1.200m2, được xây dựng theo lối kiến trúc hình chữ Tam, bao gồm: thượng điện, trung điện và hạ điện.
Hiện tại, đền Voi Mẹp vẫn giữ được kiểu kiến trúc cổ với những họa tiết trang trí tinh xảo. Các họa tiết về rồng trên đỉnh mái hay được đắp nổi trên các cây cột đều có đường nét uốn cong nhẹ nhàng, thanh thoát, toát lên vẻ đẹp cổ kính của ngôi đền.
Ở giữa đền là tòa trung điện rộng gần 70m2, trên mái là các hình rồng, hổ phù đắp nổi, đặc biệt ở các góc mái có hình 12 con rồng được làm bằng đất nung.
Phía trong tòa trung điện được đặt tấm đại tự “Tối Linh Từ” (“Ngôi đền thờ vị thần rất linh thiêng”). Dưới tấm đại tự được sơn son thiếp vàng là một hương án bằng gỗ chạm khắc rồng phượng, hoa lá, trên đặt mâm gỗ tròn, lư hương, hai bên hương án là hai dãy binh khí: gươm, giáo, chùy, thẻ…
Nổi bật trong kiến trúc của đền Voi Mẹp là nghệ thuật chạm khắc gỗ với các đề tài dân gian như: rồng ngậm ngọc, phượng ngậm cuốn thư, rùa ngậm đài sen.... Các đề tài trang trí được chạm liền mạch và được bố trí trên các đường xà, hạ, ván thưng... của ngôi đền.
Trên các vì, kèo xà, hạ, cột... của trung điện đều được điêu khắc, chạm trổ rất cầu kỳ với nhiều họa tiết rồng, phượng.
Thượng điện được cất ở vị trí cuối cùng và đặt ở nơi cao ráo nhất, phía trên mái nhà được lợp ngói mũi, mái đắp đầu đao, có rồng và nghê chầu bốn góc.
Đền Voi Mẹp được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích Quốc gia vào năm 1998. Người dân địa phương lấy ngày 1/6 âm lịch hàng năm để làm tế lễ tại đền.
Là người thường xuyên đến hương khói, dọn dẹp tại đền Voi Mẹp, bà Nguyễn Thị Tuyết (SN 1956) cho biết: "Trải qua sự thiên biến của thời gian, đền Voi Mẹp đã bị hư hại ít nhiều. Năm 1995, đền được tôn tạo lại nhưng vẫn giữ theo lối kiến trúc nguyên bản. Đến năm 2017, 2018 với sự đầu tư của các cấp chính quyền và con em xa quê, ngôi đền được chỉnh trang lại toàn bộ khuôn viên, xây dựng lại thượng điện, trung điện... Dù đã được tu sửa lại nhưng đền vẫn giữ nét cổ kính với các chạm khắc mang đậm nét nghệ thuật điêu khắc dân gian..."
Đền Voi Mẹp được xem là ngôi đền thiêng của vùng đất Đức Thọ nên rất nhiều người đến dâng lễ, chiêm bái, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài.
Đền Voi Mẹp được người dân ở xã Lâm Trung Thủy và các vùng lân cận hết sức coi trọng bởi những giá trị về mặt văn hóa và lịch sử, trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa linh thiêng trong vùng.
Trải qua 2 lần tôn tạo vào năm 2017 và 2018 với kinh phí hàng tỷ đồng thì đền đã được trùng tu gần hết các hạng mục. Trong thời gian tới, chính quyền sẽ tiếp tục việc duy tu những hạng mục còn lại để ngôi đền trở thành điểm đến giáo dục thế hệ sau về việc giữ gìn những giá trị văn hóa lịch sử của quê hương.
Ông Đinh Văn Nam - Bí thư Đảng ủy xã Lâm Trung Thủy