Cán bộ y tế giám sát mật độ lăng quăng tại các hộ dân.
Mặc dù mới bước vào đầu tháng 6, song tại Hà Tĩnh đã phát hiện 22 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 17 ca nội địa và 5 ca xâm nhập ngoại lai. Dù các ca bệnh xuất hiện rải rác, chưa hình thành ổ dịch song nếu chính quyền các cấp và người dân chủ quan, lơ là, không vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch thì rất dễ xảy ra dịch lớn và khó kiểm soát.
Bác sỹ Trần Huy Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cẩm Xuyên cho biết: "Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên đã phát hiện 6 ca mắc sốt xuất huyết. Khi phát hiện các ca bệnh, đơn vị nhanh chóng phối hợp với trạm y tế và cấp ủy chính quyền địa phương các cơ sở vào cuộc kịp thời, khoanh vùng, giám sát và triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch nên không để lây lan và hình thành ổ dịch”.
Được biết, ngoài Cẩm Xuyên, các địa phương khác cũng phát hiện ca bệnh như: huyện Kỳ Anh 6 ca, Thạch Hà 5 ca, Lộc Hà 2 ca, Hương Khê 1 ca, TP Hà Tĩnh 1 ca, Can Lộc 1 ca.
Người dân vẫn còn thói quen để các vật dụng chứa nước không cần thiết, tạo môi trường sinh sôi, phát triển cho muỗi.
Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm nay, dự báo thời tiết sẽ nắng nóng và có mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển dẫn đến nguy cơ lây lan mầm bệnh sốt xuất huyết. Rất có thể tình hình dịch sốt xuất huyết ở một số địa phương trong tỉnh sẽ có diễn biến phức tạp, khó lường và xảy ra sớm hơn các năm trước nếu không chủ động các biện pháp phòng, chống kịp thời.
Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tốc độ lây lan nhanh nếu không được kiểm soát. Bệnh có một số biểu hiện ban đầu như: sốt cao, người mệt mỏi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ, thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy...
Đường lây truyền của bệnh chủ yếu lây qua đường máu do muỗi truyền đốt, do đó nếu không phát hiện bệnh và điều trị kịp thời sẽ làm dịch có chiều hướng gia tăng. Điều nguy hiểm là đến nay, bệnh vẫn chưa có vắc-xin phòng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu".
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát véc-tơ truyền bệnh tại xã Kỳ Nam (TX Kỳ Anh).
Theo khuyến cáo từ ngành y tế, để phòng, chống hiệu quả dịch sốt xuất huyết, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế thì đòi hỏi phải có sự chung tay của các ban, ngành đoàn thể, đặc biệt là ý thức của mỗi người dân.
Việc chủ động phòng, chống dịch, đặc biệt là tiêu diệt véc-tơ truyền bệnh vẫn là chiến lược quan trọng trong công tác ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết hiện nay. Trong đó, phải thực hiện tốt nhất phương châm “không có muỗi vằn, không có bọ gậy, lăng quăng, không có sốt xuất huyết”.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm việc Trung tâm Y tế thị xã Kỳ Anh về việc triển khai phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Do sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng bệnh nên cách tốt nhất để không mắc bệnh là người dân cần chủ động dọn dẹp nhà cửa, sân vườn sạch sẽ; lật úp các vật dụng chứa nước không cần thiết; diệt lăng quăng, diệt muỗi; ngủ mắc màn, mặc quần áo dài tay để phòng muỗi đốt…
Đối với bệnh nhân khi có biểu hiện sốt, ho, đau đầu, đau mỏi người... cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị, không tự ý dùng thuốc; nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.