Ngay sau khi mẫu bệnh phẩm có kết quả dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi, Quang Lộc đã họp khẩn cấp ban cán sự các thôn để triển khai công tác phòng chống dịch
Anh Nguyễn Viết Công ở thôn Thượng Lội cho biết: “Nhà có con lợn nái sắp đẻ nhưng từ ngày 30/9, lợn có triệu chứng bỏ ăn, táo bón và chết vào ngày 2/10. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình tôi đã báo cáo với cán bộ thú lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm”.
Ngay sau khi xuất hiện tình trạng lợn chết ở gia đình anh Công, 2 hộ nuôi lân cận là gia đình anh Võ Bá Việt và Nguyễn Viết Tâm cũng xuất hiện tình trạng lợn chết.
Hiện tại, một số thôn như Yên Lạc, Ban Long cũng đã xuất hiện tình trạng lợn ốm.
Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Can Lộc hướng dẫn gia đình anh Công rắc vôi bột trước cổng nhà để tránh dịch bệnh lây lan
Chiều 3/10, mẫu bệnh phẩm trên đàn lợn nhà anh Công được gửi về có kết quả dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi, huyện Can Lộc nói chung và xã Quang Lộc nói riêng đã nhanh chóng “kích hoạt” các biện pháp phòng chống dịch.
Lãnh đạo huyện Can Lộc và các ngành chức năng đã kịp thời có mặt tại địa phương để bám nắm tình hình và chỉ đạo công tác phòng chống. Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi gấp rút được thành lập. Phương án huy động tối đa nhân lực, vật lực và các điều kiện cần thiết để tổ chức triển khai, đồng bộ, kịp thời các giải pháp để bao vây, khống chế dịch bệnh cũng được xây dựng.
48 lít hóa chất đã được chuyển về xã Quang Lộc...
Anh Đặng Đình Vinh - Chủ tịch UBND xã Quang Lộc cho biết: “Tổng đàn lợn toàn xã hiện có gần 1.000 con nuôi nhỏ lẻ trong các hộ dân. Trước mắt, xã đã cấp 1 tấn vôi bột để rải tại các hộ nuôi, lập 3 chốt kiểm dịch ở các cửa ngõ vào ra thôn và thực hiện phun tiêu độc khử trùng trên địa bàn toàn thôn”.
Để phòng ngừa và hạn chế nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm trên diện rộng, ngày 4/10, UBND huyện Can Lộc đã có công điện về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Trước mắt huyện đã cấp 780 lít Cloramin B về các địa phương.
... và được cán bộ chuyên môn hướng dẫn sử dụng
Ông Bùi Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Việc tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng chống dịch bệnh được xem là yếu tố hết sức quan trọng. Ngoài việc tăng cường phun tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương vận động người dân tổ chức ký cam kết thực hiện “5 không” theo khuyến cáo của Cục Thú y.
Đó là không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh; không vứt lợn chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt”…
Chốt kiểm dịch ở Quang Lộc đã thực hiện lịch trực 24/24h với sự có mặt của các lực lượng chức năng
Cũng theo tinh thần chỉ đạo của UBND huyện Can Lộc, các địa phương đã thành lập ban chỉ đạo, các đoàn kiểm tra để siết chặt công tác phòng, chống dịch, các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật.
Tại các xã: Xuân Lộc, Sơn Lộc, Mỹ Lộc, Đồng Lộc, Trung Lộc cũng đã xây dựng kế hoạch để thành lập các chốt kiểm dịch ở những trục đường giao thông chính giáp với xã Quang Lộc nhằm kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển động vật, sản phẩm từ động vật không đảm bảo an toàn vào địa bàn.