Cam được người dân Hương Minh (Vũ Quang) trồng tràn lan từ vườn lên đồi dốc
Trên trục đường Hồ Chí Minh đoạn từ xã Phương Mỹ (Hương Khê) sang thị trấn Vũ Quang có rất nhiều vùng đồi cao hun hút, dốc, rộng hàng chục hec-ta trước đây trồng keo nay đang được người dân chặt bỏ để trồng cam. Những vùng đồi được "cạo trọc" để trồng cam nhiều nhất là ở thôn Nam Lách (Phương Mỹ, Hương Khê), xóm 1, xóm 2 (Hương Thọ), xóm 6, xóm 7, xóm 10 (Hương Minh, Vũ Quang)...
Trao đổi với chúng tôi, một số hộ dân cho biết, họ chẳng được khuyến cáo hay tư vấn gì khi chuyển đổi đất lâm nghiệp sang trồng cam. Không tính toán nhiều, họ chỉ nghĩ đơn giản, trồng cam đang là phong trào phát triển rầm rộ, cây cam đang cho thu nhập tốt nên chặt bỏ keo để trồng. Hết những vùng đất thuận lợi thì mở rộng sang những vùng mới, còn về thổ nhưỡng, độ cao, độ dốc, nguồn nước... đều không quan tâm !
Những khoảng đất chỉ làm được vài ba hàng, độ dốc vượt quá cho phép cũng được người dân Vũ Quang đưa vào trồng cam
Đó cũng là thực trạng chung ở rất nhiều địa phương hiện nay, đặc biệt là ở huyện Vũ Quang. Mấy năm nay, khắp các thôn xóm trên địa bàn, người dân đang tích cực trồng loại cây chủ lực này. Vì vậy, đến thời điểm này, cả huyện đang có 2.104 ha và năm nay sẽ phát triển thêm 320 ha nữa...
Tương tự, nếu cách đây gần 3 năm, toàn huyện Hương Sơn mới có 1.252 ha cam nhưng nay đã tăng lên 1.979 ha. Đây là chỉ số tăng trưởng cao nhất trong khung kế hoạch hàng năm của huyện. Riêng năm nay, Hương Sơn sẽ có thêm 300 ha cam nữa và hiện đã có 30 ha cam được trồng mới...
Những vùng đất lâm nghiệp có độ dốc lớn, đi lại khó khăn, không chủ động được nguồn nước ở Hương Thọ (Vũ Quang) cũng đang bị cam "tấn công"
Ngoài 3 huyện trọng điểm là Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê mỗi năm tăng thêm hơn 300 ha/huyện thì nhiều địa phương khác ở Hà Tĩnh cũng xem phát triển cây ăn quả là một chỉ tiêu quan trọng, là thành tích được đưa ra “khoe”. Trong số này có thể kể đến: Can Lộc, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà...
Theo số liệu thống kê của Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, hiện nay, cây cam đang tiếp tục mở rộng nhanh về quy mô, tổng diện tích hiện có trên toàn tỉnh là hơn 7.032 ha (tăng 46,9% so với cuối năm 2016). Do đang phát triển “nóng” nên ở hầu hết các địa phương đã xẩy ra tình trạng cây cam “tấn công” đất lâm nghiệp.
Vào đầu mùa nắng nóng, người dân Sơn Thủy (Hương Sơn) tấp gốc để giữ độ ẩm cho cam mới trồng
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có hơn 3.800 ha cam được trồng trên đất lâm nghiệp, trong đó Vũ Quang có 2.186 ha, Hương Sơn 798 ha, Hương Khê 408 ha... Con số này sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới vì các địa phương không kiểm soát được tình hình phát triển cây cam.
Đây là thực trạng đáng báo động bởi cây cam sinh trưởng, phát triển và cho hiệu quả kinh tế tốt nhất ở những vùng đồi có độ dốc từ 3-8º. Nếu hội tụ đủ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước thì cũng không được trồng ở những độ dốc lớn hơn 20º.
Tuy nhiên, đa phần đất lâm nghiệp được chuyển sang trồng cam đều mang tính tự phát, chưa được kiểm tra chất đất có phù hợp với cây cam hay không, nguồn nước hạn chế, đi lại khó khăn, chi phí sản xuất lớn...