PV: Có ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh một loạt sắc thuế trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT), Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Thuế Tài nguyên là đang tận thu. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Ông Phạm Đình Thi: Tôi có thể khẳng định, việc Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh 5 luật thuế lần này không phải do tận thu ngân sách mà thực hiện theo Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), đảm bảo an toàn tài chính quốc gia trong bối cảnh thuế nhập khẩu của chúng ta sẽ giảm và đang giảm rất nhanh, như ngay đầu năm 2018 tới đây, có đến 98% dòng thuế nhập khẩu trong ASEAN cơ bản về 0%.
Cụ thể, ngày 18/11/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, đảm bảo nguồn tài chính quốc gia. Trong Nghị quyết này, Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu là phải cơ cấu lại NSNN theo hướng đảm bảo tài chính quốc gia an toàn và bền vững. Đồng thời, đưa ra một số biện pháp để thực hiện các mục tiêu trên là tập trung cơ cấu lại nguồn thu, hoàn thiện các chính sách thu gắn với cơ cấu lại khung NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là nguồn thu mới phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cùng với đó là tăng tỷ trọng thu nội địa đảm bảo tỷ trọng hợp lý giữa thuế trực thu và thuế gián thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, điều tiết thu nhập hợp lý. Tháng 11/2016, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 25 về kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm 2016 – 2020 và đã đưa ra mục tiêu từng bước cơ cấu lại thu NSNN.
Đồng thời trong Nghị quyết này cũng đưa ra giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng, rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế. Trước đó năm 2011, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chiến lược Cải cách hệ thống thuế 2011 – 2020, trong đó về thuế GTGT, Chính phủ đã định ra hướng phải giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT; giảm dần nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu mức thuế suất 5% và đang nghiên cứu đến năm 2010 áp dụng cơ bản một mức thuế suất…
Bên cạnh đó, năm 2016 Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó đưa ra mục tiêu xây dựng và hoàn thiện các thể chế về kinh tế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế.
Mới đây nhất ngày 6/6/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 35, trong đó có nội dung cần hoàn thiện các chính sách về thuế. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các luật thuế vừa để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế, vừa góp phần khắc phục những vướng mắc của các luật thuế hiện hành, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Qua tổng kết đánh giá các luật thuế trong thời gian vừa qua, đồng thời với việc nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh các chính sách thuế.
PV: Thưa ông, diện đối tượng điều chỉnh chính sách thuế lần này khá rộng, vì sao chúng ta không chọn diện đối tượng hẹp hơn để thực hiện?
Ông Phạm Đình Thi: Trong lần này, Bộ Tài chính kiến nghị sửa 5 luật về thuế, trong đó có rất nhiều nội dung hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, để thực hiện Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa vừa được Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế TNDN từ 20% đang áp dụng hiện nay xuống còn 17%, và DN siêu nhỏ đang đề xuất mức thuế là 15%. Trong đó chúng tôi cũng đề xuất một số nội dung ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, hoặc trong một số lĩnh vực như xây dựng nhà chung cư, công nghệ thông tin mà Nhà nước đang ưu tiên phát triển…
Ngoài ra, thuế TTĐB cũng có một số điều chỉnh như tới đây, đề nghị bổ sung mặt hàng nước ngọt vào diện chịu thuế TTĐB, do mặt hàng này nếu sử dụng quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân… Để cơ cấu lại nguồn thu, chúng ta cũng cần phải chọn lọc các sắc thuế để điều chỉnh phù hợp.
Các nước gần đây có xu hướng giảm thuế TNDN để thu hút đầu tư, nhưng mức của chúng ta hiện nay so với các nước cũng đang rất cạnh tranh. Như chúng ta đã biết, thuế thu nhập doanh nghiệp của chúng ta trước đây từ mức 45%, 35% đã giảm xuống còn 28%, 25%, 22% và đến năm 2016 giảm xuống còn 20%, trên cơ sở đó để thu hút đầu tư. Đây cũng là giải pháp thu hút đầu tư được nhiều nước áp dụng. Hiện nay chúng ta cũng đang cơ cấu lại khung NSNN theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa trong bối cảnh thuế nhập khẩu giảm dần cơ bản về 0%, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh. Trong cơ cấu thu có cái chúng ta phải tăng nhưng có cái phải giảm đi.
Song song với đó, Bộ Tài chính cũng đang rà soát lại tất cả các khoản chi phí đầu vào của doanh nghiệp kể cả chính thức và không chính thức để có chính sách phù hợp.
PV: Thưa ông, trong dự thảo Luật sửa đổi các Luật về thuế, Bộ Tài chính có đề xuất tăng thuế GTGT, vậy vì sao lại đề xuất tăng vào thời điểm hiện nay?
Ông Phạm Đình Thi: Chúng ta cũng thấy rằng, trong những năm vừa qua, trong bối cảnh không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới nợ công đều tăng cao, kể cả các nước đã phát triển, các quốc gia có xu hướng cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu.
Cụ thể, để tăng nguồn thu bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế thu nhập (TNDN và TNCN), các nước chuyển hướng sang tăng thuế tiêu dùng (GTGT và TTĐB). Số quốc gia áp dụng thuế GTGT/thuế hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng, từ khoảng 140 nước (năm 2004) tăng lên 160 nước (năm 2014) và 166 nước (2016). Cùng với việc tăng số lượng các nước sử dụng thuế GTGT để điều tiết tiêu dùng cũng như tăng số thu ngân sách, thì xu thế tăng thuế suất GTGT diễn ra phổ biến.
Từ năm 2009 - 2016, các nước đều tăng thuế suất phổ thông: Thuế suất trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19%, đến năm 2014 mức thuế suất trung bình xấp xỉ 21,5%. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế suất thuế GTGT từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016. Các nước châu Á cũng có xu hướng cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng thu ngân sách từ việc tăng thuế suất thuế GTGT, như Phi-líp-pin, Ấn Độ, Nhật Bản…
Đơn cử như các nước gần chúng ta Srilanka mới tăng từ 11% lên 15% vào năm 2016. Theo Ngân hàng Thế giới qua thống kê mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%. Cụ thể mức thuế ở một số nước như Bỉ 21%, Pháp 20%, Đức 19%...
Các nước xung quanh như Lào, In-đô-nê-xi-a, Cam-pu-chia cũng có mức thuế suất phổ biến là 10%; Trung Quốc có mức thuế suất phổ thông là 17% và mức ưu đãi là 13%. Phi-líp-pin có mức thuế suất 15%.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo gấp về việc WB đưa ra khuyến nghị trong bối cảnh thuế GTGT của các nước hiện nay đang tiến tới một mức thuế suất để đảm bảo tính trung lập của thuế, nhưng tại Việt Nam hiện đang còn quá nhiều nhóm không thuộc diện chịu thuế GTGT, nhóm chịu thuế suất 5% vẫn còn quá lớn.
Đồng thời, Việt Nam cũng đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với 12 hiệp định đã và đang đàm phán, có những hiệp định đầu năm tới sẽ hoàn thiện lộ trình thực hiện, cộng với bối cảnh các nước hội nhập kinh tế quốc tế và nợ công tăng cao nên đều điều chỉnh cơ cấu lại nguồn thu, đảm bảo tỷ lệ thu nội địa như tôi đã trình bày ở trên. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã nghiên đề xuất trong lần sửa này về thuế GTGT đưa mức thuế suất phổ thông từ 10 – 12%.
Hiện Bộ Tài chính đang gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp…, từ đó sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.
PV: Xin cảm ơn ông!