Điều trị di chứng sau tai biến mạch máu não ở Hà Tĩnh: “Đi sớm về sớm”

(Baohatinh.vn) - Theo khuyến cáo của bác sỹ Hà Tĩnh, các bệnh nhân bị di chứng sau tai biến mạch máu não nếu không kịp thời điều trị sẽ khiến bệnh ngày một nặng, dẫn đến nhiều khó khăn trong việc phục hồi các chức năng.

Tai biến mạch máu não là một bệnh lý thần kinh nguy hiểm, nếu không được phát hiện và có biện pháp xử trí kịp thời, người bệnh rất dễ tử vong hoặc để lại hàng loạt di chứng nặng nề. Trong đó, liệt vận động là một trong những di chứng thường gặp nhất đối với những người bị tai biến mạch máu não.

Điều trị di chứng sau tai biến mạch máu não ở Hà Tĩnh: “Đi sớm về sớm”

Châm cứu phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị tai biến mạch máu não tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh.

Bác sỹ Bùi Thị Mai Hương - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh cho biết: “Các di chứng gặp phổ biến nhất ở bệnh nhân liệt vận động sau tai biến mạch máu não là: liệt nửa người, liệt tay chân, liệt mặt, liệt các dây thần kinh sọ não... Khi bị liệt vận động do tai biến mạch máu não, người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Đặc biệt, nếu phải nằm lâu ngày có thể gây cứng khớp, loét các điểm tỳ đè, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu...”

Mặc dù trong thực tế, các di chứng liệt vận động sau tai biến mạch máu não để lại nhiều hệ quả nặng nề, song rất nhiều bệnh nhân bị di chứng sau tai biến lại thường không chủ động đến các cơ sở y tế để điều trị phục hồi, khiến cho di chứng diễn biến nặng nề.

Chỉ riêng thống kê từ Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh, trong số hơn 1.500 bệnh nhân bị liệt vận động sau tai biến mạch máu não điều trị nội trú, có hơn 70% người đến điều trị ở giai đoạn muộn.

Điều trị di chứng sau tai biến mạch máu não ở Hà Tĩnh: “Đi sớm về sớm”

Bác sỹ khuyến cáo người bị di chứng sau tai biến mạch máu não cần chủ động điều trị phục hồi chức năng sớm.

Đáng tiếc như trường hợp của bệnh nhân H.Đ.T (63, tuổi, Hương Khê), bị tai biến mạch máu não, dù phát hiện và đến bệnh viện muộn nhưng đã được các bác sỹ BVĐK tỉnh cấp cứu thành công, thế nhưng, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên bệnh nhân không kịp thời điều trị phục hồi di chứng sau tai biến, dẫn đến bị teo tứ chi.

Bệnh nhân H.Đ.T chia sẻ: “Sau khi bị teo tứ chi, tôi đã được gia đình đưa đến Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh để điều trị. Tôi được bác sỹ chỉ định kết hợp với tập vận động để phục hồi chức năng của tay và chân. Bác sỹ cũng thông báo, tôi phải điều trị lâu dài và cần sự kiên trì và nỗ lực. Tôi rất hối hận vì đã không thăm khám, điều trị kịp thời".

Điều trị di chứng sau tai biến mạch máu não ở Hà Tĩnh: “Đi sớm về sớm”

Trị liệu cộng với các bài tập vận động sẽ mang lại hiệu quả phục hồi chức năng rất cao cho người bị các di chứng sau tai biến mạch máu não.

Với những bệnh nhân sau tai biến mạch máu não để lại các di chứng vận động, nếu không điều trị phục hồi kịp thời sẽ khiến cho các di chứng ngày càng diễn biến nặng hơn; lúc này, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn, thời gian điều trị kéo dài, gây tốn kém về kinh tế và hiệu quả điều trị không cao.

Hiện nay, nhiều cơ sở y tế trên địa bàn Hà Tĩnh đang triển khai hiệu quả việc điều trị phục hồi cho các bệnh nhân bị di chứng sau tai biến mạch máu não. Nhiều phương pháp trị liệu như: điện xung, sóng ngắn, điện từ trường, châm cứu… kết hợp với hệ thống dụng cụ tập vận động phục hồi chức năng đang được nhiều cơ sở y tế như: Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh... triển khai hiệu quả cho người bệnh.

Điều trị di chứng sau tai biến mạch máu não ở Hà Tĩnh: “Đi sớm về sớm”

Chuyên gia Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương chuyển giao kỹ thuật điều trị liệt vận động do tai biến mạch máu não cho các y, bác sỹ Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh.

Chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, ngoài các phương pháp điều trị tại bệnh viện, sau khi bệnh nhân xuất viện, người bệnh và gia đình cũng cần lưu tâm đến các yếu tố như: xây dựng chế độ ăn uống khoa học, cung cấp đầy đủ nhóm vitamin, chất xơ và hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ; tích cực luyện tập tại nhà với các bài tập vận động nhẹ nhàng kết hợp với hít thở sâu. Gia đình, người thân thường xuyên động viên, chia sẻ, khích lệ người bệnh là hành động giúp người bệnh giữ được tinh thần lạc quan, tích cực, hạn chế nguy cơ lo âu, tự ti, trầm cảm.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.