Cũng như nhiều người khác, với chị Nguyễn Thị Chất (SN 1978, ở thôn Lợi, xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà), những chiếc bánh chưng ngày tết đã trở thành hương vị khó quên của tuổi thơ. Khi trưởng thành, chị Chất thường gói bánh để sử dụng và tặng người thân, bạn bè vào dịp lễ, tết. Được mọi người đánh giá thơm ngon, đậm vị, lại gói đều tay, mẫu mã đẹp, chị Chất đã trăn trở về hướng phát triển kinh tế từ chiếc bánh truyền thống này.
Đầu năm 2021, chị Chất quyết định sản xuất bánh chưng, bánh tét để bán thị trường và bước đầu được người tiêu dùng đón nhận. Đến tháng 4/2023, được sự quan tâm của các cấp hội phụ nữ, chị Chất cùng 5 thành viên khác là hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Lợi đã ra mắt mô hình Tổ hợp tác (THT) sản xuất bánh chưng, bánh tét Tân Hưng. Mô hình hoạt động ngày càng hiệu quả, sản phẩm sản xuất đến đâu bán hết đến đó. Tuy nhiên, để bánh chưng, bánh tét Tân Hưng có thương hiệu và được "định vị" trên thị trường, chị Chất đã quyết định tham gia chương trình OCOP.
“Khi tham gia chương trình OCOP, tôi đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị như: máy trộn gạo, nồi hấp, máy hút chân không… phục vụ việc sản xuất. Trong quá trình tham gia chương trình OCOP, tôi được chính quyền các cấp hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục, quy định, tập huấn, tìm hiểu về tiêu chuẩn chất lượng… Nhờ đó, đã nâng cao được kiến thức về an toàn thực phẩm, thực hiện đúng các quy trình để sản phẩm đạt chất lượng OCOP”, chị Chất cho hay.
Để nâng cao chất lượng của bánh, chị Chất còn dành nhiều thời gian tìm hiểu, thử nghiệm các loại nếp, đỗ, thịt… nhằm tìm ra nguồn nguyên liệu chất lượng nhất. Sau nhiều thử nghiệm, chị Chất quyết định sử dụng nếp N98 để gói bánh. Còn đỗ và thịt lợn được mua tại các cửa hàng thực phẩm hữu cơ trên địa bàn. Riêng lá dong được chị Chất đặt mua tại các hộ trồng lá dong trên địa bàn huyện Thạch Hà và đầu mối ở thị trấn Đồng Lộc (Can Lộc).
Ngoài ra, để tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm, chị Chất còn sử dụng nước lá riềng trộn cùng gạo nếp để tạo màu xanh tự nhiên và mùi thơm đặc trưng cho bánh.
Để tạo nên những chiếc bánh đẹp mắt, chị Chất sử dụng khuôn bánh và gói chặt để bánh vuông vắn. Bánh gói xong được xếp vào nồi lớn, mỗi nồi khoảng 200 chiếc, đáy nồi lót cuống lá. Bánh được nấu từ 6-7 tiếng trong nồi điện. Khi bánh chín sẽ được vớt ra để nguội, cho vào túi hút chân không và dán nhãn rồi mới xuất ra thị trường.
Những chiếc bánh chưng, bánh tét của THT sản xuất bánh chưng, bánh tét Tân Hưng có hương vị đặc biệt thơm ngon, màu xanh bắt mắt. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được sự dẻo, bùi của gạo, đỗ, béo ngậy của thịt.
Với sự đầu tư về chất lượng, mẫu mã, sản phẩm bánh chưng, bánh tét Tân Hưng đã được công nhận đạt chất lượng OCOP 3 sao vào cuối năm 2023.
Chia sẻ về hoạt động của THT, chị Chất cho biết: “Hiện nay, hoạt động sản xuất chủ yếu do tôi cùng 5 thành viên của THT tham gia thực hiện. Ngoài ra, vào các dịp cao điểm như lễ, tết thì THT thuê thêm khoảng 15 - 20 nhân công thời vụ để kịp thời sản xuất, đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.
Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất và bán khoảng 20 - 25 nghìn chiếc bánh các loại. Các thành viên trong THT có thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng. Thị trường chủ yếu trong tỉnh, một số sản phẩm được gửi đi tiêu thụ tại các tỉnh miền Nam và sang các nước: Lào, Thái Lan.
“Thời gian tới, THT tiếp tục tham gia nhiều hơn các chương trình quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh để sản phẩm đến với người tiêu dùng nhiều hơn. Đồng thời, chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ ở miền Nam và Lào, Thái Lan”, chị Chất chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Hoa Mai - Chủ tịch Hội LHPN xã Thạch Liên cho biết: “Với sự khẳng định chất lượng khi đạt OCOP 3 sao, sản phẩm bánh chưng, bánh tét Tân Hưng đã trở thành món ăn quen thuộc của nhiều gia đình. Việc đạt OCOP cũng giúp THT từ chỗ chỉ là cơ sở nhỏ lẻ, hoạt động theo mùa vụ, đến nay, đã được đầu tư để sản xuất quanh năm. Thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ tiếp tục đồng hành cùng THT sản xuất bánh chưng, bánh tét Tân Hưng nhằm quảng bá rộng rãi hơn nữa sản phẩm ra thị trường".